Ngày 22/12, TP HCM tổ chức cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo đó, thông tin về việc chạy thử nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các lô cốt gây cản trở giao thông, chủ trương cấm xe giường nằm dịp Tết,... là các vấn đề nổi bật được quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, ngày 21/12, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành chạy thử bước đầu tiên với lộ trình 9 km từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức) trong vòng 30 phút.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, hoạt động này thuộc bước thứ 6 trong quy trình 8 bước thử nghiệm trước khi dự án khai thác thương mại chính thức. Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ lắp đặt các thiết bị tại phần còn lại của tuyến metro số 1 để tiến tới chạy thử nghiệm đoạn còn lại của tuyến metro. Dự kiến, việc chạy thử nghiệm bước 7, bước 8 của dự án metro số 1 được thực hiện vào quý 1 và quý 2 năm 2023.
Về việc kết nối hệ thống giao thông đến tuyến đường sắt đô thị số 1, ông Nguyễn Quốc Hiển cho hay, hiện, TP HCM đang xây dựng cầu bộ hành thông qua Xa lộ Hà Nội để kết nối 9 nhà ga của tuyến đường sắt. Các nhà ga sẽ bố trí bãi giữ xe với khoảng 500 xe máy. Riêng với các nhà ga ngầm trong nội đô sẽ không bố trí nhà giữ xe vì khu vực này sẽ hạn chế xe cá nhân.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã lập dự án đầu tư xây dựng tăng cường xe buýt cho metro số 1, đã được thông qua chủ trương và đang lập dự án; đồng thời, dự án xây dựng các nhà chờ xe buýt kết nối buýt vào nhà ga và điều chỉnh lộ trình buýt cũng được triển khai, nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nhà ga metro thuận lợi hơn.
Về cơ chế tài chính cho dự án metro số 1, theo ông Nguyễn Quốc Hiển, vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất Thủ tướng có tờ trình gửi Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung 268 tỷ vốn điều lệ cho Công ty Đường sắt đô thị số 1. Sau khi được Thường trực Chính phủ thông qua, HĐND và UBND sẽ có thủ tục tăng vốn điều lệ để duy trì hoạt động công ty, phục vụ công tác vận hành, chuyển giao công nghệ…
Liên quan đến vấn đề những lô cốt án ngữ, gây cản trở giao thông dịp cuối năm tại thành phố trong thời gian qua, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, toàn địa bàn hiện có 79 vị trí rào chắn để thi công trên 51 tuyến đường. Số lượng này đã giảm 33 vị trí so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, thành phố còn tồn tại các công trình lắp đặt, ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ khác (cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông...) đang được triển khai. Các vị trí này chỉ thi công từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Theo ông Bùi Hòa An, đơn vị đã có nhiều văn bản chấn chỉnh tình hình thi công rào chắn chiếm dụng mặt đường. Trong đó, công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân và công trình nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) là ví dụ điển hình.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã có quyết định tước giấy phép thi công đối với công trình xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) vì có nhiều bất cập trong quá trình thi công, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xem xét tạm ngừng cấp phép thi công đối với các công trình thường xuyên vi phạm và chỉ cho phép thi công lại nếu khắc phục hoàn toàn bất cập.
Về chủ trương cấm xe giường nằm vào trung tâm thành phố, ông Bùi Hòa An cho hay, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND TP HCM kế hoạch, dự kiến từ ngày 15/12 sẽ thực hiện. Tuy nhiên sau đó, UBND TP HCM có chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải rà soát lại pháp lý để xây dựng dự thảo, gửi Sở Tư pháp và các sở, ngành có ý kiến. Hiện, đơn vị này đã lấy ý kiến Sở Tư pháp và đang rà soát, hoàn thiện chủ trương trình UBND TP HCM.
Theo ông Bùi Hòa An, sau khi UBND TP HCM chấp thuận chủ trương, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai thực hiện vào thời điểm phù hợp, dự kiến trước Tết Nguyên đán. Đây là một trong những giải pháp tiến tới giải tỏa ùn tắc giao thông nội đô và giải quyết vấn nạn xe dù, bến cóc hoạt động sai quy định.