TP HCM: Đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí ô tô bao quanh khu vực một số quận trung tâm từ 2021

Tại kì họp thứ 20 HĐND TP HCM đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TP HCM dự kiến thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030. HĐND TP lưu ý việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng...

TP HCM: Đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí ô tô bao quanh khu vực một số quận trung tâm từ 2021 - Ảnh 1.

Kẹt xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1 vào giờ cao điểm chiều. (Ảnh tư liệu: Trường Nguyên)

Theo VOH đưa tin, Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sau khi được HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện để triển khai đề án. Trước đó, Sở GTVT TP đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí bao quanh khu vực Quận 1, Q quận 3 và giáp ranh Quận 5, Quận 10 được giới hạn bởi các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy.

Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố sẽ ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông với xe máy ở khu vực trung tâm. Đến giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên đầu tư, giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỉ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỉ đồng, còn lại là các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA.

Song song đó là nhóm giải pháp hỗ trợ như qui hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm TP; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...

Theo báo Pháp luật TP HCM, Sở GTVT đã xây dựng phương án giải pháp ô tô vào trung tâm thành phố. Sở này cũng cho biết về lo ngại ùn tắc khi xây dựng các cổng thu phí thì đây là phương án được xây dựng trên cơ sở trạm thu phí không dừng bằng công nghệ ETC như các trạm BOT triển khai, vì thế xe vẫn chạy bình thường, không xảy ra ùn tắc.

Công nghệ sẽ ghi nhận qua thẻ định danh gắn trên mỗi xe, thẻ cũng đang được gắn miễn phí ở các trung tâm đăng kiểm. Kinh nghiệm các nước khác là kết quả đạt được giảm 30%-50% xe đi vào khu trung tâm giờ cao điểm.

Được biết, trước đó đề xuất của Sở GTVT TP HCM gửi UBND TP từ tháng 7/2019 về thu phí ô tô vào nội đô là dựa trên nghiên cứu trước đây của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (năm 2009).

Theo đó, sẽ thu phí vào giờ cao điểm từ 6h đến 9h và từ 16h đến 19h. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt, ô tô khách là 50.000 đồng. Xe buýt không bị thu phí, giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng)... Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.