TP HCM dự kiến quy hoạch 7 hành lang vận tải

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ quy hoạch ba hành lang vận tải quốc gia, giao thương quốc tế và 4 hành lang vận tải liên vùng.

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ quy hoạch ba hành lang vận tải quốc gia, giao thương quốc tế và 4 hành lang vận tải liên vùng. Các hành lang này đều sẽ dựa vào các trục giao thông lớn.

Ba hành lang vận tải quốc gia và giao thương quốc tế bao gồm hành lang Bắc - Nam phía Đông, hành lang này có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là hành lang kinh tế liên vùng, kết nối hầu hết các cực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia.

Thông qua hành lang này cũng kết nối được với Hành lang Xuyên Á (Nam Ninh - Singapore). Hỗ trợ hành lang này là các loại hình chủ yếu gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và vận tải thủy ven bờ.

Hệ thống đường bộ của hành lang này bao gồm có cao tốc Bắc - Nam phía Đông; QL 1; đường ven biển (từ Quảng Ninh đến Cà Mau).

Đường sắt gồm đường sắt Bắc Nam; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho -Cần Thơ. Cuối cùng là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

 Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TP HCM hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Hành lang Vũng Tàu - TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) - Campuchia, hành lang này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Hành lang này có hệ thống đường bộ bao gồm có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Mộc Bài - TP HCM, QL 22 và QL 51; hệ thống đường sắt TP HCM - Tây Ninh, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đường thủy nội địa gồm tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn (thông qua sông Đồng Tranh).

Ngoài ra, hành lang này còn một nhánh kết nối từ Gò Dầu - Xa Mát - Campuchia, dự kiến sẽ xây dựng các tuyến nhánh của cao tốc từ Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát.

Hành lang TPHCM - Chơn Thành - Hoa Lư: là hành lang vận tải quan trọng của vùng kết nối đi Campuchia. Hỗ trợ hành lang này là các loại hình chủ yếu là đường bộ, đường sắt.

Đường bộ gồm có cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư; QL 13; hệ thống đường sắt là đường sắt TP HCM - Lộc Ninh.

 Quốc lộ 13 qua TP HCM. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

4 hành lang vận tải liên vùng bao gồm hành lang kết nối với các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung, hành lang này đi trùng với hành lang Bắc - Nam phía Đông.

Hành lang kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, hành lang này chủ yếu thông qua đường bộ và đường sắt. Trong đó, hệ thống đường bộ bao gồm cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư, cao tốc Bắc - Nam phía Tây.; QL 13, QL 13B, đường Hồ Chí Minh, QL 14C; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; QL 1, QL 20.

Hệ thống đường sắt bao gồm đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước.

 Cao tốc TP HCM - Long Thành. (Ảnh: Hải Quân).

Hành lang kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ là hành lang động lực quan trọng của cả nước. Hỗ trợ hành lang này là các loại hình chủ yếu gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Hệ thống đường bộ bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư, cao tốc Mộc Bài - TP HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Bắc - Nam phía Tây; vành đai 3 , vành đai 4; QL 1; QL 1K; QL 13; QL 22, QL 50, đường Hồ Chí Minh và QL 51.

Đường sắt bao gồm đường sắt Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TP HCM - Cần Thơ, đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, đường sắt TP HCM - Tây Ninh, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Đường thủy nội địa bao gồm tuyến TP HCM - Bến Kéo - Campuchia (sông Vàm Cỏ Đông), tuyến TP HCM - Bến Súc - Bến Củi (sông Sài Gòn), tuyến TP HCM - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), tuyến TP HCM - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây).

 Quốc lộ 22 qua TP HCM. (Ảnh: Hải Quân).

Hành lang kết nối các tỉnh ĐBSCL, đây là hành lang liên vùng quan trọng. Hỗ trợ hành lang này là các loại hình chủ yếu gồm đường bộ và đường thủy nội địa.

Hành lang này có ba hành lang thành phần là hành lang TP HCM - Long An - An Giang - Kiên Giang, với hệ thống đường bộ gồm vành đai 4, tuyến N1; cao tốc Bắc - Nam phía Tây; cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL 80; đường thủy nội địa gồm tuyến TP HCM - Kiên Lương (qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc), tuyến TP HCM - Hà Tiên.

Hành lang TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau với hệ thống đường bộ là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL 1; hệ thống đường sắt TP HCM - Cần Thơ và đường thủy nội địa là tuyến TP HCM - Cà Mau (qua kênh Xà No), tuyến TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (qua kênh Chợ Gạo).

 Cao tốc TP HCM - Trung Lương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Hành lang duyên hải ven biển TP HCM - Cà Mau với đường bộ là cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; đường ven biển, QL 50; QL 1, QL 60 và đường thủy nội địa là tuyến duyên hải TP HCM - Cà Mau.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.