Theo báo cáo do Savills công bố, quý I/2023, nguồn cung khách sạn tại TP HCM ổn định theo quý, với 15.500 phòng từ 109 khách sạn. Các chủ đầu tư đang tập trung đầu tư cải thiện chất lượng dự án của mình để duy trì sự cạnh tranh, khi 67% số phòng đã đóng cửa đang được cải tạo và dự kiến mở cửa trở lại trong thời gian sắp tới.
Công suất phòng đạt 68%, tăng 6% so với quý IV/2022. Giá phòng trung bình đạt 1,9 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 5% theo quý. Tình hình hoạt động ở tất cả phân khúc khách sạn được cải thiện nhờ nhu cầu tăng từ khách du lịch và công tác.
Trong đó, công suất phòng khách sạn 5 sao đạt 67%, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phòng khách sạn 5 sao đạt 2,8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 54% theo năm do các khách sạn có thương hiệu đã ngưng áp dụng giá kích cầu du lịch. Riêng quận Bình Thạnh có mức tăng trưởng giá phòng trung bình cao nhất, đạt 99% theo năm. Theo sau là Quận 1 với mức tăng 87% và Quận 5 với 48% theo năm.
Cũng theo báo cáo, doanh thu dịch vụ lưu trú của TP HCM trong 3 tháng đầu năm đạt 2.281 tỷ đồng, tăng 29% theo năm. Tổng số lượt khách đạt 8,54 triệu lượt, trong đó có 12% là khách quốc tế. Tuy nhiên, số lượt khách quốc tế giảm 54% so với QI/2019.
Mặc dù tình hình hoạt động vẫn chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch năm 2019, nhưng thị trường cũng đón nhận một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, khách du lịch Trung Quốc, thị trường chủ lực của du lịch thành phố đã quay lại từ ngày 15/3 vừa qua. Ngoài ra, nhiều kế hoạch nhằm đơn giản hóa quy trình cấp thị thực điện tử và mở rộng danh sách miễn thị thực đã được đề xuất.
Savills dự báo, đến năm 2026 sẽ có 5 khách sạn mới với tổng cộng 900 phòng được đưa vào hoạt động. Chiếm chủ đạo là các khách sạn mang thương hiệu từ tập đoàn quốc tế như Hilton, Sotetsu Group, Elegance Hospitality Group và Minor Hotels Group tại Quận 1.