Năm 2023 là năm phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, kể từ cuối tháng 4, ngành du lịch đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng, từ đó lan tỏa tới các ngành dịch vụ khác, trong đó có lưu trú.
Tính chung năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022. Thị trường du lịch nội địa cả năm đạt 108,2 triệu lượt, tăng gần 7 triệu lượt so với năm 2022.
Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm trước. Trong đó, doanh thu của Đà Nẵng tăng 133,8%; TP HCM tăng 68%; Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%...
Theo số liệu từ JLL, tính đến tháng 12/2023, mức doanh thu trên mỗi phòng khách sạn có sẵn (ADR) tại TP HCM đạt 75 USD, tăng 59% so với cùng kỳ. Giá phòng bình quân đạt 113 USD, tăng 16,3%. Bên cạnh đó, công suất thuê phòng tại đây cũng tăng 17,8%.
Tại Hà Nội, thị trường khách sạn Hà Nội năm 2023 cho thấy sự cải thiện đáng kể khi ADR gần như đã phục hồi hoàn toàn, đạt 117 USD - tiệm cận mức 119 USD trước đại dịch. Giá phòng bình quân 81 USD, tăng 58,4%. Công suất phòng trung bình 69,4%, tăng 20,64% so với năm 2022.
Thị trường khách sạn Đà Nẵng ghi nhận giá phòng bình quân tăng 119,3% so với năm trước. ADR đạt 137 USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Du lịch vừa trải một năm phục hồi, song thị trường khách sạn năm 2024 được dự báo vẫn còn những thách thức.
Tại TP HCM, JLL cho biết hiện tại thành phố vẫn đang đối mặt với các thách thức kinh tế, bao gồm chi phí đầu tư phát triển cao, quỹ đất đắc địa hạn chế và những trở ngại về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và khả năng triển khai các dự án khách sạn mới phân hạng cao cấp.
Tương tự, tại Hà Nội, tình hình kinh tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt là những yếu tố nổi bật ảnh hưởng đến khả năng phục hồi hoàn toàn công suất thuê phòng khách sạn. Mặt khác, khi lượng lớn nguồn cung mới gia nhập thị trường trong những năm sắp tới, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, hiệu quả hoạt động trong trung hạn có thể phải đối mặt với những thách thức cung cầu mới.
Tuy nhiên, theo nhận định từ ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam, du lịch Hà Nội có dấu hiệu phục hồi tốt, mặc dù không còn phụ thuộc vào nhóm khách Trung Quốc. Nhiều dự án sẽ sẽ đi vào hoạt động trong trung hạn và làm thị trường sôi động hơn.
Trong năm 2024 có ba dự án gia nhập thị trường khách sạn Hà Nội, bao gồm Dusit Hà Nội – Từ Hoa Palace với 207 phòng, Fusion Suites với 238 phòng và Mỹ Đình Pearl giai đoạn 2 với 500 phòng.
Giai đoạn 2024 - 2026, dự kiến Hà Nội có 13 dự án với 2.746 phòng đi vào hoạt động. Các đơn vị vận hành nội địa chiếm 70% nguồn cung tương lai, với 1.919 phòng từ 7 dự án mới. Trong đó, 74% sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Các đơn vị vận hành quốc tế sẽ mở 6 dự án mới tương đương 827 phòng. Khoảng 62% tổng nguồn cung quốc tế nằm trong khu vực nội thành.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 2,5 triệu khách du lịch quốc tế và 5,9 triệu khách du lịch trong nước năm 2024. Thành phố này đang tích cực đầu tư phát triển du lịch bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, mục tiêu thu hút du khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, Mỹ và Bắc Âu, đồng thời khám phá các thị trường mới ở Trung Đông, Kazakhstan và Uzbekistan.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels cho biết, với lợi thế hạ tầng kết nối và đa dạng sản phẩm du lịch và lựa chọn lưu trú, Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.
Các điểm đến vốn quen thuộc với khách nội địa như Quy Nhơn hoặc Phú Yên cũng ngày càng có nhiều dự án đang hoạch định. Đồng thời những địa phương này cũng đang chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và các sản phẩm lưu trú cao cấp để thu hút thêm tệp khách quốc tế.
Trong khi đó, thị trường khách sạn hạng sang - cao cấp tại TP HCM được kỳ vọng duy trì lợi thế cạnh tranh trong một vài năm tới do nguồn cung mới vẫn còn hạn chế. Thành phố vẫn cần thêm đa dạng loại hình sản phẩm lưu trú để đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách khác nhau.