Các công nhânvệ sinh, kiểm tra hoạt động trên khu vực hồ xử lí nước thải. (Ảnh: QUANG KHẢI)
Ông Hoan giao Sở Xây dựng, Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung vào đồ án quy hoạch một số hạng mục như: hạng mục quy hoạch nhà máy cấp nước cạnh khu vực nhà máy xử lí nước thải nhằm tận dụng toàn bộ lượng nước thải sau xử lí (650.000m3/ ngày) làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy cấp nước.
Việc này sẽ triển khai trong giai đoạn 2 của dự án (năm 2030). Ngoài ra, sử dụng diện tích đất quy hoạch còn lại sau khi xây dựng nhà máy nước thải để xây dựng các mảng cây xanh cách li, công viên cây xanh, tạo cảnh quan môi trường cho dự án.
UBND TP cũng đồng ý giao cho UBND quận Bình Tân lấy ý kiến cộng đồng dân cư 2 phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B; tập hợp đầy đủ hình ảnh, tài liệu, mô hình mẫu nhà máy xử lí nước thải theo công nghệ hiện đại để giới thiệu về dự án, từ đó vận động thuyết phục người dân đồng thuận vì mục tiêu bảo vệ môi trường TP.
Thời gian thực hiện trong tháng 10/2019.
UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch, quy trình các bước thực hiện đến tháng 6/2020. Thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến cống bao, và nhà máy xử lí nước thải khu vực phía tây thành phố.
TP HCM đang vận hành 3 nhà máy xử lí nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm, gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm). Hiện TP đang tiếp tục huy động nguồn lực triển khai thêm các dự án nhà máy xử lí nước thải đô thị tập trung. Dự báo, đến cuối năm 2020 có khoảng 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố sẽ được thu gom, xử lí.