Thời gian gần đây, câu chuyện về một số thầy cô giáo đang công tác trong ngành Sư phạm nhưng đột ngột "chuyển nghề" đã khiến cho dư luận bàng hoàng về sức hút của ngành này đối với xã hội. Mỗi một trường hợp là những câu chuyện khác nhau, không ai giống ai.
Trường hợp của anh Nguyễn Quang Tuệ (SN 1987), từng làm giáo viên dạy Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) mới đây đã viết đơn xin nghỉ việc vì lý do lương thấp không đủ nuôi sống gia đình và bản thân vẫn đang khiến nhiều người muốn biết, lý do thực sự là gì ngoài những dòng trong lá đơn nghỉ việc kia.
Anh Nguyễn Quang Tuệ (SN 1987), từng làm giáo viên dạy Mĩ thuật tại Trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với chúng tôi trong tâm trạng còn khá day dứt và nhiều tâm sự, anh Tuệ cho biết, mình không bằng lòng với thu nhập hơn 3 triệu/tháng, số tiền đó hoàn toàn không bao giờ là đủ để anh có thể trang trải cho cuộc sống của mình cùng với gia đình vốn còn bố mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Anh tốt nghiệp Khoa Nhạc - Họa - Thể ngành Sư phạm Mĩ thuật của Trường Đại học Quảng Bình .
Anh Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ: "Việc làm đơn xin nghỉ việc dạy ở trường tôi đã làm và gửi theo quy định từ BCH Công đoàn, BGH nhà trường để trình UBND huyện cùng các phòng ban phê duyệt để giải quyết. Tôi bắt đầu chính thức nghỉ dạy học tại trường từ ngày 15/9 vừa qua. Về lý do tôi cũng đã trình bày trong đơn xin nghỉ việc rồi. Tuy nhiên, với mức thu nhập tính cả phụ cấp chỉ hơn 3 triệu đồng thì tôi cảm thấy quá thấp.
Tôi bắt đầu đi dạy học tới nay là được 10 năm, còn vào viên chức dạy cũng được gần 3 năm nay. Hệ số lương thấp (chỉ là 2.1) và chuẩn bị tăng bậc hai vì dạy được 3 năm. Hơn nữa, áp lực công việc lớn nên tôi đã quyết định xin nghỉ dạy để tự tìm cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn".
Năm học 2015 - 2016, thầy Tuệ còn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Ảnh: NVCC. |
Nói về hoàn cảnh gia đình, thầy giáo trẻ này tâm sự, hiện giờ anh còn phải lo cho bố mẹ già nay đã hơn 70 tuổi ở quê nhà xã Thanh Thủy. Vào năm 2007, anh Tuệ bắt đầu đi dạy học. Trong 6 năm đầu khi ra trường, anh Tuệ đã đi dạy tới 8 trường tiểu học và THCS ở địa bàn huyện Lệ Thủy. Ở tiểu học, anh chuyên dạy môn Mĩ thuật từ lớp 1 - lớp 5.
"Có đợt tôi vừa nhận dạy và nhận lương chính thức ở trường tiểu học, nhưng cũng có hợp đồng dạy ở trường THCS và nhận thù lao theo số tiết dạy. Thời gian lúc đó phải căn ke rất chặt chẽ vì thực sự mình phải 'chạy sô' mới kịp giờ dạy cho cả hai trường. Ở trường cấp hai tôi còn nhận dạy môn Giáo dục công dân. Gia đình tôi có đông anh chị em, tôi là con thứ 6 (con út) ở cùng với bố mẹ già nên gánh nặng cơm áo lúc đó cũng khá lớn, đi dạy nhưng vẫn không đủ tiêu", anh Tuệ tâm sự.
Trải qua hơn 10 năm gắn bó với nghiệp giảng dạy ở nhiều trường khác nhau, người thầy giáo trẻ này cũng không thể quên được những tình cảm mà các em học sinh cũng như đồng nghiệp dành cho mình.
Hình ảnh về 1 tiết dạy học tại trường của thầy Tuệ. Ảnh: NVCC. |
Anh Tuệ kể: Khi biết tin mình nghỉ dạy và chuyển nghề, nhiều em học sinh cũng thấy rất tiếc nuối, bản thân anh cũng cảm thấy nhớ trường lớp, nhớ các học trò bên những tiết giảng bài đầy cuốn hút. Cảm xúc lúc này hoàn toàn khác so với những lúc chuẩn bị nghỉ hè, bởi đây là lần cuối mình chia tay bục giảng để tìm một hướng đi mới cho riêng mình.
Trong khi dạy chính thức vào biên chế của Trường Tiểu học Thanh Thủy, anh Tuệ cũng tranh thủ đi làm thêm ở ngoài để kiếm thêm thu nhập. Từ làm thợ chụp ảnh dạo, ảnh cưới, sau mới tìm tòi về nghề làm hình xăm nghệ thuật... Chia tay nghề sư phạm, anh cho biết từ nay sẽ gắn bó và chuyên tâm hẳn cho cửa tiệm xăm hình nghệ thuật của mình tại TP Đồng Hới (cách xa nhà khoảng 40 km).
Anh cho hay: "Tôi đã bắt đầu mở cửa tiệm này từ gần 6 năm trước. Ban đầu khi nghe ý tưởng, bố mẹ và gia đình kịch liệt phản đối vì cho rằng, mình đã mất công bao năm ăn học thì nên theo nghề giáo để sau này còn vào biên chế.
Nhưng sau khi nghe tôi thuyết phục và thực tế chứng minh, bố mẹ tôi đã đồng ý đi vay vốn tín dụng khoảng 100 triệu đồng để tôi mở cửa tiệm. Từ khi đi vào hoạt động, tiệm chỉ làm vào ngày thứ 7 và Chủ nhật. Tôi cũng nhận khoảng gần chục bạn nhân viên tới học nghề và làm việc tại đây".
Bức ảnh chụp trong năm học 2016 - 2017 của thầy Tuệ (ngoài cùng bên phải) với các đồng nghiệp tại Trường Tiểu học Thanh Thủy. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, thầy Tuệ cũng bộc bạch: "Chuyện tôi chuyển nghề từ nghề giáo ra làm ngoài là chuyện cực chẳng đã. Trong thâm tâm tôi vẫn luôn rất tôn trọng nghề giáo, nghề rất cao quý trong xã hội. Tôi mong các đồng nghiệp của mình hãy cố gắng bám trụ lấy nghề bằng tình yêu trường lớp, yêu học trò và chuyên môn tốt để tiếp tục sự nghiệp giáo dục đầy vinh quang.
Trước khi làm đơn xin nghỉ việc tôi cũng đã hỏi ý kiến đồng nghiệp, người thân và gia đình nên tôi đã chọn một quyết định như vậy. Hơn nữa, tình hình sức khỏe của tôi không cho phép để theo cùng lúc hai công việc (nghề giáo và làm tiệm xăm hình nghệ thuật) nên tôi chọn ra làm ngoài".
Trao đổi trước đó với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Dương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) xác nhận, thầy giáo Nguyễn Quang Tuệ đã làm đơn xin nghỉ việc tại trường và chính thức nghỉ dạy tại trường từ ngày 15/9/2017. Nhà trường cũng rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh, lý do như trong đơn đã trình bày nên đã đồng ý với nguyện vọng của thầy Tuệ.
Lương hơn 3 triệu, thầy giáo 8X viết đơn xin nghỉ việc 'gây sốt mạng' Với thu nhập hơn 3 triệu/tháng, một thầy giáo dạy tiểu học tại Quảng Bình đã viết Đơn xin nghỉ việc ở trường khiến nhiều ... |