Trái phiếu quốc tế có thành kênh huy động vốn hấp dẫn khi trong nước siết chặt?

Đã có một số doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2021. Liệu đây có trở thành xu hướng huy động vốn trong thời gian tới khi tín dụng và trái phiếu trong nước đang được thắt chặt?

5 lô trái phiếu quốc tế tỷ USD trong 2021 từ các doanh nghiệp BĐS

Phát hành trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn phổ biến của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện nay. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2021 các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD.

So với thị trường trái phiếu trong nước, các lô trái phiếu phát hành ra quốc tế diễn ra không thường xuyên. Theo thống kê của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trong năm 2021 có tổng cộng 6 lô trái phiếu quốc tế được phát hành, trong đó có 5/6 lô đến từ các doanh nghiệp liên quan đến BĐS. 

 (Ảnh minh họa: Wisegeek).

Cụ thể, vào tháng 4/2021, CTCP Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế với lãi suất danh nghĩa 3%/năm, được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Lô trái phiếu của Vingroup có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2026. Người sở hữu trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu VHM của Vinhomes với giá 123.000 đồng/cp.

ngày 7/5/2021, CTCP Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group đã phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375% và thời hạn 5 năm.

Với 200 triệu USD huy động được, BIM Land sẽ bổ sung vốn cho các dự án BĐS doanh nghiệp đang triển khai.

Đến ngày 16/7/2021, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán: NVL) đã công bố phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 5,25% mỗi năm.

Theo Novaland, nguồn vốn huy động từ đợt phát hành này tập trung cho mục đích phát triển các dự án trọng điểm của tập đoàn và gia tăng quỹ đất nhằm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong 3 năm tới.

Ngày 21/9, CTCP Vinpearl – thành viên Tập đoàn Vingroup đã công bố kết quả phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu quốc tế với kỳ hạn 5 năm, lãi suất danh nghĩa 3,25%/năm, thanh toán 6 tháng/lần.

Số tiền thu được nhằm bổ sung vốn hoạt động kinh doanh chung cho Vinpearl, thanh toán trước hạn các khoản vay nước ngoài đã thực hiện năm 2020, thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc nhận chuyển nhượng các hạng mục khách sạn thuộc những dự án sở hữu bởi Tập đoàn Vingroup.

Trước khi khép lại năm 2021, ngày 29/12, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng – chủ khu đô thị cùng tên ở TP HCM đã hoàn tất phát hành 150 triệu USD trái phiếu tại thị trường Đài Loan với kỳ hạn 5 năm.

Tổng giá trị của 5 lô trái phiếu nói trên là 1,575 tỷ USD. Có thể thấy, việc phát hành trái phiếu quốc tế cho phép doanh nghiệp huy động được một khối lượng vốn lớn bằng ngoại tệ.

Thời điểm BIM Land phát hành trái phiếu, Tổng Giám đốc Đoàn Quốc Huy cho biết, ông kỳ vọng việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào kênh huy động vốn này, như cách các doanh nghiệp Indonesia, Philippines vẫn thường xuyên thực hiện.

Trong bối cảnh kênh trái phiếu trong nước đang được siết chặt hiện nay, liệu trái phiếu quốc tế có vào tầm ngắm của các doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới?

Đơn giản về quy trình nhưng phức tạp về trách nhiệm

Trao đổi với người viết, đại diện bộ phận tư vấn tài chính Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam cho biết, việc phát hành trái phiếu quốc tế trước tiên cần tuân thủ quy định trong nước và đáp ứng điều kiện chào bán, giao dịch trái phiếu theo quy định tại thị trường phát hành ở nước ngoài.

Cụ thể, đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phát hành là CTCP hoặc công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, đồng thời phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.

Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp phát hành phải là CTCP được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.

Với công ty chưa niêm yết, để phát hành trái phiếu quốc tế doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu và tổ chức chào bán tại thị trường phát hành; đồng thời thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của thị trường phát hành.

Riêng đối với chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, còn phải thông qua sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và báo cáo kết quả chào bán với cơ quan này.

BLawyers Vietnam cho hay, quy trình chào bán trái phiếu quốc tế nhìn chung đơn giản hơn quy trình chào bán trái phiếu thông thường trong nước (không gồm bước phải mở tài khoản phong tỏa tại ngân hàng và đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định).

Đổi lại, so với quy định về phát hành trái phiếu trong nước, các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu quốc tế sẽ phức tạp hơn.

Theo đó, doanh nghiệp phát hành cũng phải tuân thủ điều kiện phát hành, xây dựng phương án phát hành, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành, tổ chức phát hành và thực hiện các nội dung liên quan đến việc phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ Việt Nam về phát hành trái phiếu quốc tế, các quy định của pháp Luật về chứng khoán, quản lý ngoại hối, các quy định khác của pháp Luật hiện hành và còn phải đảm bảo phù hợp với Luật pháp quốc tế, pháp luật nước nơi phát hành khi phát hành trái phiếu quốc tế.

“Khi thị trường trái phiếu trong nước bị siết chặt, các doanh nghiệp có thể sẽ có xu hướng sẽ phát hành trái phiếu tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để trái phiếu có thể lưu hành tại thị trường quốc tế thì doanh nghiệp cần lưu ý đến pháp luật nước nơi trái phiếu được phát hành”, đại diện BLawyers Vietnam chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Phiên đấu giá đất Hoài Đức kết thúc sau 9 tiếng: Lô trúng cao nhất 15 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần giá khởi điểm
Sau phiên đấu giá đất kéo dài 9 tiếng, nhiều thửa đất tại huyện Hoài Đức đã tìm chủ thành công, lô có giá trúng cao nhất là 15 tỷ đồng, tương đương hơn 103 triệu đồng/m2.