Trẻ nhỏ cũng có thể bị trầm cảm
Tưởng như chỉ là bệnh xuất hiện ở người trưởng thành, thế nhưng, thực tế cho thấy trầm cảm còn tấn công cả trẻ nhỏ. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho thấy khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm. Tuy nhiên, các biểu hiện bất thường về tâm lý của các em thường bị bỏ qua và xem nhẹ. Theo tính toán của các chuyên gia, 34% người bị trầm cảm khi còn nhỏ có toan tính tự vẫn khi trưởng thành và 7% tự vẫn thành công.
Ở Việt Nam, tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, mỗi tháng có khoảng 1.000 lượt bệnh nhi bị rối loạn tâm lý. Riêng bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 của thành phố, cũng từng tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhi tự tử do trầm cảm quá nặng.
Có lẽ, chẳng phải miêu tả nhiều, các con số trên đã phần nào giúp chúng ta hình dung được bức tranh buồn về căn bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ. Theo bà Nguyễn Thị Thu An chuyên gia tư vấn tâm lý của chương trình tư vấn Tâm sự bạn trẻ (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số), có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đó có thể là do phải xa mẹ hay xa người chăm sóc đột ngột một thời gian dài, trong khi đó, người thay thế lại không hiểu được nhu cầu, mong muốn của trẻ. Trường hợp này, có thể thấy, lúc đầu trẻ sẽ quấy khóc rất nhiều để gây sự chú ý, thế nhưng, khi không được đáp ứng đúng nguyện vọng, trẻ sẽ dần rơi vào trạng thái từ chối tiếp xúc, lạnh nhạt với môi trường xung quanh.
Trẻ bị trầm cảm thường không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. |
Với những trẻ lớn hơn, trầm cảm là do cha mẹ không chuẩn bị kỹ tâm lý cho trẻ để đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi gặp điều bất lợi, các bé loay hoay không biết cách giải quyết, không biết cách chia sẻ và dần khép kín mình, lâu ngày dẫn tới trầm cảm.
Cũng như người lớn, bà An cho rằng trẻ bị trầm cảm dù ở độ tuổi nào cũng sẽ có một số biểu hiện điển hình như tính khí trầm lặng, hay khóc lóc, giận dữ, cáu gắt (trong khi ở độ tuổi này, các bé phải ưa hoạt động, thích nơi náo nhiệt, luôn vui cười); rối loạn thực thể (chán ăn, khó ngủ, đau đầu, đái dầm, thiếu tập trung…), trẻ nhỏ thì chậm vận động, chậm tăng cân; trẻ lớn thì hay nói về cái chết, hay tự làm tổn thương bản thân.
Không thể tự điều trị bệnh tại nhà
Trên thực tế, nếu chú ý quan sát, không khó để phát hiện ra những bất ổn trong tâm lý của trẻ. Tất nhiên, không thể dựa vào những biểu hiện bên ngoài để kết luận trẻ có bị trầm cảm không, hay trầm cảm ở mức độ nào mà tất cả sẽ phải trải qua tham vấn của bác sĩ. Theo đó, trẻ sẽ nhận được các bài test tâm lý để đánh giá mức độ trầm cảm. Thông thường, trầm cảm được chia thành 3 mức độ là nhẹ, vừa, nặng. Dù bệnh ở mức độ nào thì vẫn cần phải tiến hành điều trị ngay để hạn chế nguy cơ tự tổn thương cơ thể hay tự sát ở trẻ.
Ở mức độ nhẹ, có thể, trẻ chỉ cần điều trị tâm lý, nhưng nhất thiết phải do người có chuyên môn thực hiện. Gia đình lúc này chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp trẻ dễ vượt qua sang chấn tâm lý. Trường hợp tự ý điều trị, do không có chuyên môn, cha mẹ rất dễ khiến tình trạng bệnh của trẻ tiến triển nặng hơn.
Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể giúp trẻ thoát khỏi tình trạng trầm cảm. |
Với những trẻ ở mức độ vừa hay nặng, trẻ cần phải kết hợp cả liệu pháp tâm lý và thuốc trong điều trị. Nếu trẻ ở lứa tuổi đã có nhận thức, trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu của suy nghĩ tiêu cực để nhanh chóng hướng suy nghĩ sang một điều khác tốt đẹp hơn.
Trong trường hợp trẻ đã từng có ý định tự sát và sát thương mình thì sẽ phải được theo dõi nghiêm ngặt. Ngoài điều trị, trẻ cũng cần được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, vui chơi, giải trí để vực dậy tinh thần. Cha mẹ, người thân cũng cần hạn chế những lời trách móc, than phiền hay cãi cọ nhau trước mặt trẻ vì như thế càng khiến trẻ suy nghĩ nhiều hơn. Trong giai đoạn này, thuốc chỉ nên sử dụng khi các liệu pháp tâm lý không mang lại kết quả. Bởi lẽ, loại thuốc này mang đến khá nhiều tác dụng phụ như mắt mờ, đồng tử giãn, tăng nhịp tim, chóng mặt, buồn nôn…
Để thuận tiện cho công tác khám chữa bệnh, đa phần trẻ bị trầm cảm nặng sẽ phải nhập viện điều trị cho đến khi khí sắc ổn định, không còn muốn tự tử và có thể giao tiếp được với những người xung quanh. Tuy nhiên, dù ra viện, những trẻ này vẫn cần phải được theo dõi sát sao. Các loại thuốc chống trầm cảm đôi khi vẫn phải sử dụng thêm từ 6-9 tháng để phòng bệnh tái phát.
Trầm cảm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, trẻ hoàn toàn có thể tái hòa nhập với cuộc sống bình thường. Thế nên, thay vì đau khổ, tuyệt vọng khi phát hiện ra bệnh này ở con, cha mẹ hãy vững tâm cũng con “chiến đấu” tới cùng.