Bị trầm cảm sau công khai, hotgirl chuyển giới khiến gia đình tưởng 'quỷ nhập' | |
Hotgirl chuyển giới từng trầm cảm vì bị bố mẹ từ mặt, coi là bệnh hoạn |
Một vài số liệu nghiên cứu từ Hội Tâm lý học của Mỹ cho thấy, có tới khoảng 30% đến 60% số người LGBT phải chịu đựng các chứng bệnh trầm cảm và lo âu trong quá trình lâu dài. Con số thống kê này cao hơn gấp 2,5 lần so với người dị tính.
Tại Việt Nam, vẫn chưa có những số liệu nghiên cứu cụ thể về trầm cảm và lo âu ở người LGBT. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng, là LGBT thì không gây ra trầm cảm và lo âu mà chính những khó khăn mà mỗi cá nhân trong cộng đồng LGBT đang gặp phải trong cuộc sống hằng ngày như sự kì thị từ xã hội, gia đình, bạn bè, phân biệt đối xử đặc biệt bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến những tổn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng.
Người LGBT dễ bị trầm cảm, lo lắng hơn người dị tính
Đầu tiên phải nhắc đến một nguyên nhân chủ yếu khiến người LGBT rơi vào trạng thái trầm cảm đó là tâm lý sợ người khác phát hiện mình là người đồng tính hay xu hướng tình dục của mình không phải dị tính. Chính vì vậy người LGBT luôn thận trọng trong các mối quan hệ khiến bản thân sống khép kín, thu mình lại. Lâu ngày, những áp lực dẫn đến tâm lý khó chịu và ức chế.
Cuộc sống hai mặt để che giấu và tránh sự kì thị của những người xung quanh khiến nhiều người LGBT dễ bị trầm cảm và thường tìm đến rượu, ma túy, chất kích thích hoặc quan hệ tình dục với nhiều người, dẫn đến có hại cho sức khỏe và tương lai của họ.
Tỷ lệ người LGBT dễ bị trầm cảm gấp 2,5 lần so với người dị tính. (Ảnh: healthy). |
Trong nghiên cứu “thái độ xã hội với người đồng tính” của viện iSEE năm 2012 tại Việt Nam cho thấy 19% người đồng tính nam muốn lập gia đình với người khác giới, 40% không muốn và 41% không có ý định rõ ràng. Lý do chính đến từ việc muốn có con, vì sức ép gia đình, muốn có ai để nương tựa và vì áp lực xã hội.
Nhiều người sau khi lập gia đình vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng tính ở nhiều mức độ khác nhau. Điều này gây ra tâm lý sợ hãi, lo lắng, kéo dài ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Không chỉ vậy, hậu quả nghiêm trọng hơn khi những người này tự “lập rào cản” cho bản thân khiến tâm sinh lý bị bất ổn. Không ít người quyết định tự vẫn để thoát khỏi những bi kịch.
Bị trầm cảm sau công khai, hotgirl chuyển giới khiến gia đình tưởng 'quỷ nhập' | |
Chàng trai chuyển giới quyết bỏ thuốc, dùng nghị lực vượt qua bệnh trầm cảm |
Riêng người chuyển giới ở Việt Nam, mức độ kì thị và phân biệt đối xử diễn ra nặng nề hơn các nhóm đồng tính và song tính do sự khác biệt từ ngoại hình. Trầm trọng hơn khi người chuyển giới bị thất nghiệp, có học vấn thấp, hay người chuyển giới khuyết tật… Tất cả điều này làm họ cảm thấy băn khoăn, lo lắng không biết mình bị kì thị vì bản dạng giới, ngoại hình, địa vị xã hội hay vì một nguyên nhân khác.
Theo nghiên cứu, người LGBT trẻ tuổi đặc biệt người chuyển giới nếu thường xuyên bị phân biệt đối xử hay xâm hại về thể xác lẫn tinh thần thường bị trầm cảm nặng dẫn đến có ý định tự tử hay tự làm đau cơ thể mình cao hơn 4 lần so với người dị tính.
Phải làm gì khi bị trầm cảm?
Trầm cảm và lo lâu là hai căn bệnh nguy hiểm và thường gặp nhất trong cộng đồng LGBT. Tại Việt Nam, các bạn có thể tìm đến bác sĩ tâm lý trị liệu hoặc nhà tư vấn tâm lý cho người LGBT để được giúp đỡ, tránh để bệnh kéo dài ảnh hưởng đến công việc, kết quả học tập, sức khỏe của chính mình và gây ra những tổn thương không mong muốn cho gia đình và xã hội.
Khi bạn cảm thấy lo lắng, trầm cảm trong một thời gian dài và hoàn toàn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và những người xung quanh thì bạn phải tìm cách chữa trị. Các bạn có thể nói cho người thân biết, hoặc tìm đọc những sách về trầm cảm và lo âu để có kiến thức, nhưng đặc biệt không được tự chuẩn đoán cho mình, mà phải qua quá trình tham vấn của bác sĩ tâm lý.
Nếu không can thiệp sớm, người trầm cảm có thể tự vẫn. (Ảnh: Healthy) |
Nếu bạn phát hiện ra người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình là người LGBT và có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm và lo lắng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn phải chủ động tâm sự, lắng nghe và đặc biệt tránh chuẩn đoán hay đánh giá về người bệnh vì bạn có thể làm tăng thêm lo lắng và trầm cảm ở họ.
Người bệnh trầm cảm phải tránh sử dụng các chất kích thích, rượu, thuốc lá,… vì có thể làm cho tình trạng tâm lý ngày càng tệ hơn. Nếu như cá nhân có những biểu hiện hay suy nghĩ hành động làm tổn thương đến cơ thể của mình, hoặc có ý định tự tử, khi phát hiện bạn phải ngay lập tức đưa người bệnh đến các chuyên gia để được chữa trị.
Cuối cùng, các bạn trong cộng đồng LGBT phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về cộng đồng, kiến thức tâm lý, kĩ năng sống cũng như phải có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để bảo vệ sức khỏe của mình. Đồng tính hay chuyển giới không phải là bệnh nên xã hội cần có ý thức tôn trọng sự đa dạng của các cá nhân trong xã hội.
Các nhà làm luật, và cơ sở y tế cần có kiến thức về LGBT để bảo vệ cũng như chăm sóc sức khỏe cho các bạn. Xã hội cần tránh tạo ra những định kiến, kì thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT vì đây chính là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe trong cộng đồng.
Mia Nguyễn
(Chuyên gia tâm lý, Bộ Xã hội Úc)