Trạm vũ trụ Tiangong-1 của Trung Quốc. Ảnh: Space |
Xinhua đưa tin trạm vũ trụ Tiangong-1 (Thiên Cung 1) được Trung Quốc phóng vào không gian năm 2011. Đến nay, trạm vũ trụ này vẫn đang bay quanh Trái Đất trong tình trạng nguyên vẹn ở độ cao trung bình 370 km.
Phát biểu tại buổi phóng trạm vũ trụ kiêm phòng thí nghiệm không gian Tiangong-2, phó Chủ nhiệm Văn phòng Công trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc Wu Ping cho biết Tiangong-1 đã thực hiện nhiệm vụ hơn 4 năm qua, gấp đôi thời gian theo thiết kế ban đầu. Bà cho biết trạm vũ trụ này sẽ rơi xuống bầu khí quyển của Trái Đất vào cuối năm 2017.
"Dựa trên những tính toán và phân tích của chúng tôi, hầu hết các bộ phận của Tiangong-1 sẽ hoàn toàn bốc cháy trong quá trình rơi xuống, không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hoạt động hàng không hay cuộc sống trên mặt đất", bà cho biết.
Wu cũng khẳng định Trung Quốc coi trọng việc giảm thiểu tác động và dọn dẹp các mảnh vỡ khi một trạm vũ trụ rơi xuống. Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những cảnh báo sớm trên toàn thế giới nếu có bất cứ nguy cơ va chạm vào giữa Tiangong-1 với các vật thể khác, hoặc thời điểm nó rơi xuống Trái Đất nếu cần thiết.
Tuy nhiên, chuyên gia vật lý thiên văn Jonathan McDowell của Đại học Harvard, Mỹ, lại cho rằng việc cảnh báo thời điểm rơi của Tiangong-1 là không thể, khi Trung Quốc đã mất kiểm soát với nó.
"Chúng ta sẽ không bao giờ biết khi nào nó rơi xuống Trái Đất, đó có thể là vài ngày, 6 hoặc 7 tiếng, thậm chí là vài phút trước khi điều đó thực sự diễn ra. Và không biết nó rơi lúc nào cũng đồng nghĩa với việc không biết nó rơi ở đâu", Jonathan trả lời Guardian.
Việc Trung Quốc xác nhận thông tin trên đã khiến Cơ quan vũ trụ Nga hoãn kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái Soyuz lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nga dự định thực hiện kế hoạch phóng ngày 23/09.