Cách đây vài ngày, ca sĩ nhí Phan Đình Tây tung lên mạng bài hát "Đến sau một người". Đây là bài hát đình đám của ca sĩ Châu Khải Phong đang thu hút một lượng lớn người nghe trên Youtube được cậu bé cover lại. Màn cover với chất giọng khá ngọt ngào và cảm xúc “nhập vai” thông qua nội dung khá ướt át về tình yêu đôi lứa, nhưng lại do cậu bé 14 tuổi thể hiện đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi về một vấn đề khá lớn: đó là trẻ em có nên hát nhạc người lớn hay không?
Màn cover đầy tâm trạng của Phan Đình Tây gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình |
Câu chuyện trẻ em hát nhạc người lớn thật ra không có gì mới mẻ. Năm 2017, cô bé 14 tuổi Phương Mỹ Chi từng hát song ca “Con đường xưa em đi” với ca sĩ Trung Quang trong một show truyền hình khiến dư luận dậy sóng khi “chị Bảy vị thành niên” lại hát nhạc yêu đương. Trong khi đó cũng có nhiều người người cho rằng cô bé phải hát những ca khúc người lớn vì hiện đang quá khan hiếm những bài hát phù hợp với lứa tuổi của mình. Chính Phương Mỹ Chi cũng thừa nhận rằng bản thân em thích hát những bài của người lớn từ khi còn nhỏ nên cũng hát hay hơn so với bài hát của thiếu nhi.
Có thể trường hợp của Phan Đình Tây, Phương Mỹ Chi thích hát nhạc người lớn là cá biệt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ rộng hơn chúng ta có thể dễ dàng lý giải vì sao trẻ em hiện nay lại thích chọn nhạc người lớn để thể hiện như vậy.
Phương Mỹ Chi (14 tuổi) gây tranh cãi khi song ca “Con đường xưa em đi” với ca sĩ Trung Quang |
Sẽ là quá thừa khi chúng ta cùng đi phân tích vì sao trẻ em thích hát nhạc người lớn. Điều này đã từng được các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhà xã hội học, các nhạc sĩ tâm huyết đã giải thích khá rõ trên hàng trăm bài bài báo, trong các cuộc thảo luận chuyên đề từ trước tới nay.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại gốc rễ của vấn đề trẻ em thích hát nhạc người lớn. Đó là trong đời sống âm nhạc hiện nay, những ca khúc dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi ngày càng ít, số lượng nhạc sĩ tâm huyết sáng tác nhạc cho thiếu nhi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó nhạc thiếu nhi không mang tính thương mại cao, việc đầu tư cho ca khúc như sáng tác, phối âm phối khí dẫn đến “thu không bù chi” nên mảng âm nhạc này thường bị các nhạc sĩ bỏ ngỏ…
Hiện tượng ca sĩ nhí hát nhạc người lớn khiến cho nhiều người suy nghĩ theo hướng dường như các nhạc sĩ đã không theo kịp xu hướng âm nhạc hiện đại dành cho thiếu nhi hiện nay. Nếu như tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ thấy những bài hát thiếu nhi được sáng tác gần đây đa số đều có giai điệu và ca từ khá đơn giản, cách sáng tác vẫn theo truyền thống của thế hệ nhạc sĩ đi trước. Trong khi đó, ngoài năng khiếu ra, trẻ em hiện nay được đào tạo âm nhạc một cách bài bản hơn về thanh nhạc từ các trường nhạc, câu lạc bộ năng khiếu hoặc được giáo viên âm nhạc kèm riêng… Vì vậy nếu các em hát nhạc thiếu nhi một các đơn giản theo lối truyền thống thì khó có thể khoe được hết chất giọng lẫn kỹ thuật.
Do vậy, việc các em thiếu nhi chọn nhạc người lớn để thể hiện trong các cuộc thi hoặc trong MV là điều không quá ngạc nhiên.
Phan Đình Tây tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2016 |
Quay trở lại câu chuyện ca sĩ 14 tuổi Phan Đình Tây hát "Đến sau một người" đang gây tranh cãi ầm ĩ trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối. Người ta ủng hộ vì khả năng hát live của cậu bé tốt và giọng ca giàu cảm xúc. Số còn lại phản đối cho rằng Phan Đình Tây còn quá nhỏ để hát nhạc tình yêu, với những ca từ chia ly, giận hờn.
Điều này cho thấy tranh cãi về vấn đề thiếu nhi hát nhạc người lớn xuất phát từ nội dung ca từ chứ không phải từ thể loại âm nhạc mà Phan Đình Tây đang hát. Đó cũng là một hướng gợi mở cho các nhạc sĩ bắt đầu xu hướng sáng tác nhạc thiếu nhi với hình thức mới bằng ca từ phù hợp với lứa tuổi nhưng kỹ thuật âm nhạc cần hiện đại mới mẻ để các em được thể hiện tài năng của mình mà không phải nhận bất cứ sự chỉ trích nào.
Từ hơn 5 năm trở lại đây đã có rất nhiều người, trong đó có cả giới nhạc sĩ luôn phản đối trẻ em hát nhạc người lớn, thế nhưng cho đến hiện tại, các em vẫn cứ hát dù đó là những bài hát có nội dung mà các em không thể hiểu “người ta nói gì”. Hát mà không hiểu gì hoặc chưa đủ nhận thức để hiểu nội dung chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn còn non nớt của các em nếu như trong bài hát có chứa những ca từ không phù hợp.
Tuổi thơ cần phải được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn trong sáng, trong đó âm nhạc đóng vai trò khá quan trọng. Tuy nhiên nếu đi tìm một ca khúc hay thuộc loại “đình đám” phù hợp với lứa tuổi các em thì gần như không có vì không ai chịu sáng tác. Nhạc sĩ, các anh đang ở đâu?
Ca sĩ nhí triệu view
Ca sĩ nhí Thiên Khôi (tên thật là Nguyễn Minh Thiên Khôi, 13 tuổi, TP.HCM) đã khiến nhiều ca sĩ nổi tiếng phải ghen tị ... |
Ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi 'lột xác' đến ngỡ ngàng
Hình ảnh mới của "cô bé dân ca" khiến nhiều người hâm mộ phải thốt lên rằng Phương Mỹ Chi lớn quá rồi. |
Người lớn hát nhạc trẻ con, sao lại chỉ một đêm duy nhất?
Lâu nay, các gameshow ca nhạc nhí đã quá quen với cảnh thí sinh luôn gồng mình hát nhạc người lớn, từ Giọng hát Việt ... |