Theo dõi cân nặng luôn là một trong những việc nhất định phải làm của các bố mẹ có con nhỏ. Đây trở thành thói quen phổ biến đến mức bất cứ bố mẹ nào cũng có một cuốn sổ theo dõi chiều cao cân nặng của con. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cân nặng của con tương ứng với khả năng ăn uống của con. Thế nên mới có chuyện nhiều bố mẹ thắc mắc tại sao con ăn tốt nhưng không tăng cân. "Con ăn nhiều lắm, ăn nhiều hơn con nhà hàng xóm, tại sao con không tăng cân, có phải do con kém hấp thụ hay do mắc bệnh lí gì?" là những câu hỏi bố mẹ đang cố gắng tìm lời giải.
(Ảnh minh họa: Parenting) |
Kém hấp thụ hay khó hấp thụ là chẩn đoán dễ bị sử dụng lầm nhất khi chẩn đoán cho những trẻ nhỏ người, nhẹ cân. Đây là quan niệm sai nhưng lại khá phổ biến và quen thuộc với các bố mẹ Việt. Trong cuốn sách “Để con được ốm”, bác sĩ Trí Đoàn đã giải thích rất chi tiết về vấn đề này và kết luận "trẻ ăn tốt nhưng không tăng cân không phải do kém hấp thụ".
Hiện tượng kém hấp thụ xảy ra ở ruột của bất cứ loại sinh vật nào có ruột, trong đó có con người. Thực phẩm khi đưa vào miệng sẽ được phân hủy một phần nhờ vào men amylase. Sau đó, thức ăn được đưa xuống dạ dày, dịch vị sẽ được tiết ra và trộn đều nhằm phân hủy tiếp thức ăn và đưa xuống ruột. Tại đây, mật hoặc tụy sẽ tiết ra các loại dịch khác nhau, giúp phân cắt thức ăn thành những phân tử nhỏ và thức ăn sẽ được phân hủy và hấp thụ liên tục vào cơ thể khi đi suốt trong đoạn ruột. Một phần thức ăn không được hấp thụ hết sẽ đi xuống ruột già, ruột già nhận nhiệm vụ hấp thụ thêm một phần nước, phần còn lại là chất bã được thải ra ngoài theo đường hậu môn (chính là phân). Trích sách "Để con được ốm" |
Nếu trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân và kèm theo các triệu chứng sau, thì mới có thể kết luận là do kém hấp thụ. Hiện tượng kém hấp thụ xảy ra khi quá trình thức ăn đi vào ruột không được hấp thụ vào người và phải đi thẳng ra bằng đường hậu môn. Do đó triệu chứng của hiện tượng này gồm:
- Tiêu chảy. Trẻ có thể đi tiêu chảy nhiều lần (4-5 lần) trong ngày.
- Trong phân của trẻ có thể thấy một số “sản phẩm” của tiêu hóa, đi phân sống
- Hậu môn bị đỏ, lở loét
- Trẻ có các biểu hiện của nhiễm trùng đường tiêu hóa
(Ảnh minh họa: Babycenter) |
Lí do trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân
Chế độ ăn ít chất béo. Chế độ ăn ít chất béo là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trẻ khó tăng cân dù ăn nhiều. Theo bác sĩ Nguyễn Nam Phong chia sẻ trên tờ Sức khỏe Đời sống, lượng của chất béo cho trẻ em nói chung không vượt quá 30% khẩu phần dinh dưỡng. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, hàm lượng chất béo nên là 40%. Với trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, hàm lượng chất béo nên là 30%. Bắt đầu ở các độ tuổi đi học, nên là 25%. Từ độ tuổi tiếp theo đến trưởng thành (12 - 18 tuổi), hàm lượng chất béo dừng ở 20%.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ cần cân nhắc bổ sung chất béo, và không chỉ bổ sung riêng chất béo thực vật, cần bổ sung cả chất béo động vật.
Ăn nhiều nhưng chỉ ăn vặt, ăn trái cây, rau củ. Khi con 6-7 tháng tuổi, bắt đầu giai đoạn ăn dặm, bố mẹ có thể cho con làm quen với các loại rau củ, trái cây. Nhưng từ tháng thứ 8 trở đi, trẻ cần chế độ ăn đa dạng. Mặc dù dưới 1 tuổi, thức ăn chính của trẻ vẫn là sữa, nhưng ăn đa dạng không trao cho trẻ cơ hội được khám phá đồ ăn, mà còn giúp trẻ cân bằng dinh dưỡng.
Trẻ cần ăn đúng bữa, dù ở độ tuổi nào. Nhiều bố mẹ quan niệm sai lầm rằng ăn càng nhiều trái cây, rau củ càng tốt, nhưng một chế độ ăn cân bằng mới là điều tốt nhất cho trẻ. Nếu con bạn đang ăn nhiều nhưng không tăng cân, hãy xem xét lại chế độ ăn uống của con để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Trẻ nhiễm giun sán. Đây cũng là lí do nghi ngờ trẻ ăn nhiều mà không thể tăng cân. Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải có sự tư vấn của bác sĩ và chọn loại thuốc thích hợp.
Trẻ vận động quá nhiều. Nếu là lí do này, bố mẹ đừng quá lo lắng. Vì cơ thể của trẻ đang rất khỏe mạnh và không hề phát sinh bệnh lí gì. Khi trẻ ăn nhiều và không tăng cân, hãy quan sát con có vận động nhiều trong ngày không. Nếu đúng, thì nên yên tâm thay vì lo lắng.
(Ảnh minh họa: Babycenter) |
Trước khi tìm hiểu những thực phẩm giúp trẻ tăng cân, bố mẹ cần xem bảng cân nặng chiều cao theo độ tuổi của trẻ, để quyết định con có đang bị thiếu cân hay không. Nếu không, rất dễ dẫn đến sai lầm như nhồi con ăn quá nhiều, gây nguy cơ trẻ béo phì.
Chia sẻ trên VnExpress, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho biết muốn trẻ tăng cân, cần cho trẻ uống 500-600 ml sữa bao gồm sữa công thức theo lứa tuổi, sữa chua có tác dụng kích thích tiêu hóa, phomai vừa bổ sung canxi, chất đạm và béo.
Ngoài ra, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo 4 nhóm thực phẩm (chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa…, chất béo như dầu, mỡ, bơ… chất bột đường như gạo, mì…) Bổ sung rau lá và hoa quả tươi để có thêm nguồn vitamin, khoáng chất và đặc biệt chất xơ có tác dụng kích thích tiêu hóa. Bữa ăn nên đa dạng và thay đổi món trong ngày, ưu tiên các món ăn trẻ ưa thích trước rồi phối hợp các món trẻ chưa được ăn.
XEM THÊM
Ăn thô từ 7 tháng tuổi, đến 10 tháng tuổi bé đạt 'thành tích' đáng kinh ngạc này Tìm hiểu khá kĩ về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy BLW, chị Tuyết (TP HCM) không còn nỗi sợ con bị hóc nghẹn ... |
Con thích hay ghét đi học phụ thuộc vào câu nói này của bố mẹ Câu hỏi đầu tiên bố mẹ hỏi khi trẻ đi học về sẽ quyết định thái độ của trẻ với việc học, trẻ thích hay ... |
‘Người lớn đang đối xử quá tàn nhẫn với bọn trẻ’ Các bạn trẻ vừa phải tìm cách chữa lành những vết thương còn đau đớn từ thời thơ ấu, vừa phải vùng vẫy để tìm ... |
Chuyên gia chỉ ra sai lầm của bố mẹ Việt trong việc nuôi dạy con Có một thực tế là nhiều bố mẹ phạm phải những sai lầm trong việc nuôi dạy con, cảm thấy bế tắc, không biết làm ... |