Còn nhớ, những ngày làng giải trí rộn ràng, xôn xao và ầm ĩ trước sự việc Hương Giang Idol bất kính với nghệ sĩ Trung Dân, không ít người thẳng thừng lên tiếng chỉ trích cô. Từ mặt báo đến các trang mạng xã hội, khắp nơi đều thấy người ta “chửi mắng” Hương Giang, lời thông cảm cũng có còn lời lên án, phán xét thì nhiều vô kể. Họ cho rằng đó là cái xấu về mặt đạo đức của người mang danh nghệ sĩ và điều đó làm giới nghệ sĩ bị hiểu sai bởi “con sâu làm rầu nồi canh”.
Scandal của Hương Giang nhận được nhiều sự quan tâm lẫn những góp ý thậm chí là chỉ trích từ các tiền bối lẫn đồng nghiệp. (Ảnh minh hoạ) |
Quả thực, sự lên tiếng của các nghệ sĩ thời điểm đó cùng các quan điểm sống không sai. Và nó góp phần khiến dư luận thấy được rằng sự phản ánh của các đồng nghiệp thậm chí nhiều người thuộc thế hệ đàn anh, đàn chị, hàng cha chú kịp thời là cách thức “giáo dục”, chấn chỉnh có sức nặng và tích cực.
Rõ ràng, trước phản ứng quá lớn mạnh của nhiều tầng lớp nghệ sĩ lẫn khán giả, Hương Giang Idol dù ngay sau khi sự việc bị chỉ trích đã tắt máy, tránh né truyền thông, dư luận cũng phải đăng đàn để xin lỗi người nghệ sĩ lớn tuổi.
Điều này có thể thấy, sức mạnh của sự phê phán, phản ánh đúng lúc, đúng chỗ, thể hiện được quan điểm không thoả hiệp với cái xấu, cái chưa tốt, chưa đúng. Và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho cách hành xử, thể hiện lối sống, đạo đức của người nghệ sĩ dù tên tuổi hay không.
Sự việc Hương Giang Idol lắng xuống chưa lâu, một lần nữa showbiz lại “dậy sóng” trước chuyện ca sĩ Lưu Chí Vỹ bị một bầu show không tiếc lời thoá mạ lẫn những hành động phản cảm từ những người xung quanh.
Nhiều nghệ sĩ cũng dùng sức ảnh hưởng, tên tuổi của mình lên tiếng bảo vệ khi Lưu Chí Vỹ bị bầu show thoá mạ. (Ảnh: NVCC). |
Ở góc độ này, chúng ta đều có thể thấy tiếng nói của truyền thông, dư luận lẫn các nghệ sĩ đều khá đúng mực. Không cổ suý cho việc ca sĩ đi hát show muộn dù có lí do gì đi nữa nhưng mọi phương diện cũng kịp thời bảo vệ danh dự cho một con người trước những hành động vô văn hoá. Đồng thời, qua những chia sẻ từ chính các đồng nghiệp của Lưu Chí Vỹ, khán giả cũng có cái nhìn cảm thông, khách quan và cả độ lượng hơn.
Thế nhưng, chính truyền thông lẫn khán giả đều tỏ ra thực sự bất ngờ khi vừa mới đó, đông đảo nghệ sĩ đều đứng lên dùng tiếng nói của mình để phản ánh những điều không đẹp của đồng nghiệp hoặc bảo vệ họ thì ở việc Trang Trần, Pha Lê không ngần ngại dùng những từ ngữ chợ búa, tục tĩu dành cho nghệ sĩ Xuân Hương hay scandal mới đây của Phan Đinh Tùng họ lại im lặng khó hiểu hoặc né tránh.
Đành rằng, không phải chuyện gì cũng đáng để lên tiếng. Nhưng nhiều khán giả đã không khỏi thắc mắc: điều gì khiến họ không dám lên tiếng trước những cách hành xử sai trái của một số người? Phải chăng, với những ai có tư thù cá nhân; ganh tị về chỗ đứng trong showbiz hoặc “cậy” mình thuộc thế hệ đi trước thì họ mới dám thẳng thắn bày tỏ quan điểm?
Thế nhưng, chỉ một số rất ít đơn vị truyền thông và nghệ sĩ phản ánh, thậm chí "lơ" đi việc Trang Trần, Pha Lê dùng những lời tục tĩu nhắm thẳng vào nghệ sĩ Xuân Hương. (Ảnh minh hoạ). |
Có thể, nhiều người sợ rằng họ trở thành “nạn nhân” khi bênh vực một người khác hoặc “mang tiếng” đu bám rồi bị chèn ép bởi sức ảnh hưởng của “tiền bối” trong nghề. Hay truyền thông, khi thì rất “mặn mà” với tai tiếng của một ai đấy nhưng đôi lúc lại “lơ” đi trong trường hợp “người quen” gặp scandal. Như vậy, liệu rằng truyền thông và các nghệ sĩ có khách quan, có “đáng mặt” khi tự mình xưng tụng những điều đẹp đẽ, đạo đức, nhân văn?
Chúng ta không cổ suý cho việc lợi dụng việc một ai đó gặp nạn để rồi dìm họ xuống hay đẩy vào bước đường cùng bởi lời nói và câu chữ. Nhưng nếu chúng ta không thẳng thắn lên tiếng mà chỉ giữ thái độ im lặng trước những cái không đẹp thì mặc nhiên, những người đang sai họ không bao giờ thấy được cái xấu xí mình làm. Từ một tiền lệ nó sẽ trở thành thói quen, từ thói quen không đúng được bao che sẽ trở thành “vấn nạn” và cứ thế, nghệ sĩ “trơ lì” với các scandal thậm chí còn lấy nó làm “đòn bẩy” cho sự nghiệp.
Và hôm nay (19/6), nhiều người thể hiện sự tránh né khi nhắc đến scandal của ca sĩ Phan Đinh Tùng. (Ảnh minh hoạ). |
Và cũng một lần nữa, nhìn lại showbiz Hàn để thấy, cách họ đề cao tư chất đạo đức của một người nghệ sĩ khắt khe thế nào. Ngày hôm nay có thể bạn là một ngôi sao xuất chúng, được tung hô bởi hàng chục triệu con người nhưng chỉ cần một vết nhơ, ánh hào quang của bạn sẽ bị dập tắt ngay lập tức.
Rất nhiều người cho rằng đó là điều không nên bởi họ đều là những người có thành tựu, có sự góp phần đưa nền văn hoá, giải trí ở xứ sở họ lên ngưỡng ngang tầm thế giới. Cách “thanh trừng” như vậy là quá nặng tay và tàn nhẫn.
Tuy nhiên, họ lại khiến cho thế giới nhớ rằng, sự thành công và tất cả những xa hoa, tiền bạc, danh tiếng mà người nghệ sĩ có được đều là phần ủng hộ không nhỏ từ khán giả, truyền thông.
Sự nghiệp lẫn hình ảnh của T.O.P - thủ lĩnh nhóm nhạc Big Bang nổi tiếng bậc nhất xử sở kim chi đang đứng bên bờ vực thẳm khi để phát hiện scandal sử dụng cần sa cùng một nữ thực tập sinh. |
Hơn nữa, họ là những người làm văn hoá, là cầu nối mang những tinh hoa của nghệ thuật đến với khán giả, là hình tượng cho nhiều thế hệ noi theo, học hỏi và ngưỡng mộ thì tốt hơn hết, trước tiên phải là một con người có đạo đức.
Còn ở Việt Nam, chúng ta vẫn hời hợt hoặc chọn cách im lặng, không thì cũng xuề xoà cho qua. Và càng như thế, sẽ đến một ngày, không ai còn nói về văn hoá, đạo đức nữa bởi tự chúng ta coi nó như một điều bình thường, tất yếu trong showbiz.