Ngày 17/11, tại buổi gặp gỡ của Thường trực Thành ủy TP HCM với ngành giáo dục thành phố nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều nhà giáo hưu trí, có uy tín, bày tỏ trăn trở với chính sách chăm lo đời sống và thu nhập cho thầy cô.
TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM) khi đề cập đến vấn đề này nói khá ngắn gọn: "Đọc được tương lai của một quốc gia bằng cách nhìn vào giáo dục. Đọc tương lai của giáo dục bằng cách nhìn việc cư xử với nhà giáo...".
Ông bỏ lửng phát biểu bằng gợi ý: "Đồng nghiệp và lãnh đạo thành phố hãy cùng suy nghĩ về cách cư xử với nhà giáo hiện nay".
TS Hồ Thiệu Hùng bày tỏ nhiều trăn trở về công tác giáo dục ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trăn trở của ông Hùng được xem như tổng kết nhiều ý kiến trước đó của các nhà giáo lão thành, xoay quanh chuyện thu nhập của giáo viên.
TS Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng, những thành quả của nền giáo dục hiện là đáng mừng, nhưng chưa thể yên tâm vì tính vững bền chưa cao. Bởi một khi người "kỹ sư tâm hồn" đứng trên bục giảng nhưng đầu óc vẫn còn vướng bận, lo toan cuộc sống mưu sinh thì họ không thể toàn tâm toàn ý.
"Giáo viên sống được bằng lương không? Được, nhưng phải chạy vạy đủ thứ. Chúng tôi muốn có cuộc sống của một nhà giáo an bình, tin tưởng", ông Minh nói.
Trong khi đó, GS Phạm Phụ (Đại học Bách khoa TP HCM) thẳng thắn rằng, mảng tài chính cho giáo dục, trong đó có vấn đề lương bổng cho giáo viên hiện đang bị bỏ trống, "chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, chính xác nào".
Theo ông Phụ, những chính sách về lương, thu nhập cho giáo viên nhiều lần được đưa ra, với tiêu chí dựa trên mặt bằng chung thu nhập của xã hội không giải quyết được bức xúc của giáo viên. Tình trạng này phần nào làm kìm hãm sự phát triển chung của ngành giáo dục.
"Phải có một nghiên cứu toàn diện về tài chính, tiền lương trong ngành giáo dục để giải quyết căn cơ vấn đề", ông nói, giọng quả quyết.
Giáo sư Phạm Phụ. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nhiều nhà giáo khác đề xuất TP HCM thực hiện cơ chế tự chủ, thực hiện cải cách chế độ tiền lương, giúp giáo viên có thể sống được bằng nghề. Ngoài ra, cần xã hội hóa giáo dục, giao thêm quyền tự chủ cho hiệu trưởng để các trường có cơ hội đầu tư tốt hơn cho công tác đào tạo, thu nhập.
Họ cũng bày tỏ nỗi lo về hạnh kiểm học sinh hiện nay, khi việc giáo dục đạo đức, lối sống giữa nhà trường và xã hộiđang rời rạc, không hiệu quả. Ngành giáo dục đang tập trung phát triển kỹ năng, lối sống ở bậc trung học mà bỏ quên bậc mầm non và tiểu học - lứa tuổi đang hình thành nhân cách.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang đứng trước nhiều thử thách khi nguồn ngân sách bị thu hẹp. Cơ chế đầu tư cho giáo dục, trong đó có vấn đề tiền lương giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Ông Phong cho hay, trong dự thảo về cơ chế đặc thù của thành phố có một nhóm vấn đề TP HCM xin phân cấp, phân quyền quyết định tiền lương cho cán bộ, công nhân viên chức. Ngoài khoản lương theo quy định chung, HĐND thành phố sẽ quết định chi trả thêm những khoản thu nhập, phụ cấp cho người lao động.