Từ Bắc Âu về nước, tôi hoảng vì phải nuôi con theo chuẩn của... hàng xóm


Chị Ngọc Quyên thấy không chỉ phải nuôi con khỏe mạnh đúng chuẩn y tế, mà còn phải thỏa mãn tiêu chuẩn của ông bà, hàng xóm.

Tôi từng là một cựu du học sinh Việt Nam tại Thụy Điển chuyên ngành Khoa học giao tiếp, sau đó chuyển sang sống gần thủ đô Oslo (Na Uy). Hiện tại tôi đã định cư ở Bắc Âu được gần 5 năm, lập gia đình với chồng là người Na Uy và đã có một con nhỏ.

Tháng 2/2018, tôi cùng gia đình về Việt Nam ăn Tết. Con tôi lúc này đang bước sang tháng thứ 10, bé lần đầu về Việt Nam nên rất thích. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ trong mắt một đứa bé 10 tháng tuổi.

Tuy nhiên, đối với tôi, sau 3 tuần lễ trải nghiệm cảm giác làm mẹ ở Việt Nam, tôi tự rút ra cho mình kết luận là nuôi con ở Việt Nam… khổ quá!

Nếu như ở châu Âu, mọi người tôn trọng gần như tuyệt đối sự riêng tư của người khác, thì ở xã hội châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, điều này không được thể hiện rõ lắm. Nói một cách tích cực, đó là sự thân thiện rất đáng quý ở những xã hội cộng đồng. Song, sự can thiệp đôi khi hơi nhiều vào cuộc sống của người khác, trong trường hợp của tôi là chuyện nuôi con, thì đôi khi chỉ khiến đối tượng "được quan tâm" - những bà mẹ trẻ - thêm phần stress.

tu bac au ve nuoc toi hoang vi phai nuoi con theo chuan cua hang xom
Chồng và con của chị Ngọc Quyên, đang sinh sống tại Na Uy. Ảnh: Ngọc Quyên.

Ngay trước khi về Việt Nam, bé nhà tôi vừa được kiểm tra sức khỏe ở tháng thứ 9 tại trạm y tế địa phương. Tất cả các chỉ số về chiều cao, cân nặng, phản xạ tự nhiên, vận động đều ở mức bình thường. Con có hơi thấp một chút so với các bé có cả bố và mẹ đều là người Bắc Âu, nhưng y tá vẫn ân cần giải thích để tôi không phải lo lắng.

Vậy mà chỉ trong vài ngày đầu tiên đi thăm họ hàng và gặp gỡ hàng xóm ở Việt Nam, tôi đã nhận được vô số lời nhận xét như: "con chưa mọc răng vậy là chậm", "bé chưa biết tự đi vậy là yếu", "nhìn bé hơi nhỏ con", "còn bé thế mà đã cho ra đường"…

Thậm chí chuyện tôi cho con ngồi ghế ăn trẻ em và tập bốc một số món khi ở nhà hàng cũng nhận được vô số lời bàn tán và chỉ trỏ của những thực khách khác - những người tôi hoàn toàn không quen biết.

Có thể nói, tuy làm mẹ lần đầu, lại ở xa gia đình, không được bố mẹ đẻ chăm sóc, nhưng bù lại, tôi có được sự thanh thản về đầu óc. Tôi muốn nuôi con bằng sữa mẹ, thì đã được sự ủng hộ của các chuyên viên tư vấn sữa mẹ ở bệnh viện và gia đình. Sau đó, vì lý do sức khỏe và công việc, tôi chuyển sang dùng sữa bột cho con, cũng chả ai có ý kiến gì. Vì họ biết người mẹ sẽ luôn làm những điều tốt nhất có thể cho con mình. Tất cả mọi người đều tôn trọng ý kiến của người mẹ, và không ai - ngoại trừ nhân viên y tế - có thể nhận xét về thể trạng của con được.

Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện xảy ra gần như hoàn toàn ngược lại. Không kể đến sự tư vấn từ những người có chuyên môn, thì gần như những người không có chuyên môn (họ hàng, hàng xóm…) đều tự cho mình quyền được nhận xét, đa phần là không mấy tích cực, về thể trạng của một đứa trẻ. Những lời nhận xét ấy, vô tình khiến cha mẹ của đứa trẻ, đặc biệt là người mẹ, dễ lâm vào tình trạng hoang mang, và thường thì những hoang mang và stress ấy là không đáng.

Bên cạnh sự quan tâm quá kỹ lưỡng của mọi người xung quanh thì vấn đề vệ sinh cũng là điều khiến tôi phải suy nghĩ.

Nhiều người có thói quen hôn hít, vuốt má trẻ con để thể hiện sự thương yêu, đặc biệt nếu bé bụ bẫm một chút. Mới nhìn qua thì tưởng vô hại, nhưng những cái hôn ấy lại chứa đựng nguy cơ to lớn.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những bài báo về việc các bé sơ sinh chết do nhiễm virus lây từ người lớn, mà "thủ phạm gián tiếp" chính là những cái hôn thân yêu đó. Cơ thể người lớn vốn tiếp xúc với rất nhiều mầm bệnh, song với sức đề kháng tốt hơn, chúng ta không thấy được sự ảnh hưởng của nó lên cơ thể mình. Nhưng với cơ thể non yếu của một đứa trẻ sơ sinh, những nụ hôn, những cái vuốt má ấy quả thực là một điều đáng sợ.

Khi trực tiếp bế con, tôi luôn nhanh tay ngăn cản những ai có ý định rờ tay hay vuốt má con mình. Và tất nhiên là họ… phật ý, cho rằng tôi quá kỹ lưỡng, làm cao làm giá. Thậm chí khi chia sẻ vấn đề này trên một diễn đàn làm mẹ trên mạng, một số người cho là tôi "học đòi" theo Tây (xa cách) mà quên đi sự nhiệt tình thân thiện của người Việt (ôm hôn nựng nịu đứa trẻ).

Trong những trường hợp như vậy, chẳng thà tôi mang tiếng "học theo Tây" mà bảo vệ được con, còn hơn xuề xòa cho qua chuyện, mà nếu lỡ có chuyện không hay xảy ra, thì lúc đó biết trách ai?

3 tuần làm mẹ ở Việt Nam khiến tôi cảm thấy làm mẹ ở quê nhà sao mà khó quá. Không những phải nuôi con sao cho khỏe mạnh theo đúng tiêu chuẩn y tế, mà còn phải làm sao cho thỏa được tiêu chuẩn của… ông bà, hàng xóm, họ hàng.

Khi về lại Na Uy, tôi lại tiếp tục dẫn con đi thăm khám sức khỏe. May quá là con không bị nhỏ con, không bị chậm, thể lực không yếu. Và may mắn thêm nữa, là vợ chồng tôi được bình yên nuôi nấng và yêu thương con theo cách của mình.

chọn
Toàn cảnh đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng sắp mở qua TP Hưng Yên
Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km, trong đó có một phần đi qua TP Hưng Yên.