Từ chuyện mẹ Quang Hải không gọi con là "người hùng" đến sự chuẩn mực của những bà mẹ có con tài giỏi

"Khiêm tốn là mẹ thành công”, hay “ta thực sự trưởng thành khi thấy mình nhỏ bé” - đây là những câu đúc rút thực sự sâu sắc về ý nghĩa của sự khiêm tốn cũng như tác hại của bệnh ảo tưởng về bản thân.

Những bà mẹ như mẹ tuyển thủ Quang Hải hay mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam là những điển hình trong cách giáo dục con không chỉ thành tài mà còn đủ cả tài, cả tâm.

Tuyển thủ Quang Hải, người đang làm rạng danh cho đội tuyển U23 Việt Nam những ngày qua. Nhưng một mình Quang Hải, Xuân Trường hay Bùi Tiến Dũng không thể đưa đội bóng vào được trận chung kết. Đó là thành quả của cả một tập thể do ông Park Hang-Seo dẫn dắt.

tu chuyen me quang hai khong goi con la nguoi hung den su chuan muc cua nhung ba me co con tai gioi
Ảnh tư liệu

Như đã nói trong bài trước, mẹ của Quang Hải chẳng màng gì đến hai chữ “người hùng” hay “ngôi sao”. Bà Dương Thị Cúc chỉ chú trọng đến cách đá của con, từ pha ghi bàn tuyệt khéo hay khi đá trượt quả penalty đầu tiên trong lượt thi đấu luân lưu 11m với Qatar.

Bà đã thẳng thắn: “Quang Hải ghi được 2 bàn thắng, tôi không biết nói gì vì quá vui mừng nhưng khi con đá hỏng quả penalty đầu tiên, tôi có chút thoáng buồn. Tuy nhiên, thật may mắn vì thủ môn Bùi Tiến Dũng đã cản phá xuất sắc 2 quả penalty của đội bạn. Bùi Tiến Dũng mới thực sự là người hùng của đội tuyển U23 Việt Nam”.

Những lời nói chân thật xuất phát từ một thái độ sống chân thành đã làm nên sự vĩ đại của người mẹ này. Dù đó chỉ là những lời nói chân chất của một người phụ nữ nhưng chính sự trong sáng chân thật của người mẹ này lại có giá trị không kém gì cách giáo dục con cái chuẩn mực của những người mẹ hiểu biết và có tri thức khác.

Như mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam, trước thành công của con trai, chị luôn luôn có ý thức trong mọi lời khen. Bởi bà mẹ này biết rất rõ, lời khen là con dao hai lưỡi, chúng có thể trở thành động lực để con cái tự tin bước tiếp nhưng đôi khi lại là “thuốc gây nghiện” khiến cho đứa trẻ trở nên kiêu ngạo, vĩ cuồng.

Chị Phan Hồ Điệp - bà mẹ được đánh giá rất thành công trong giáo dục "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, luôn chú trọng việc khuyến khích con. Chị có 5 nguyên tắc khen con để Nhật Nam vừa vui nhưng vẫn biết khiêm nhường và tiếp tục cố gắng.

Nguyên tắc đầu tiên là "không khen vào sản phẩm mà khen vào quá trình". Ví dụ chị Điệp hay khen con "rất nỗ lực, lúc làm bài mẹ còn thấy Nam toát cả mồ hôi". Mẹ “thần đồng” cho rằng, việc khen quá trình sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm quan sát và đánh giá nhiều nhất. Với các công việc khác, trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục cố gắng hơn nhiều để được người lớn công nhận, khen ngợi.

Nguyên tắc thứ hai là "không so sánh với con của người khác mà chỉ so sánh với chính đứa trẻ ở khía cạnh tích cực". Ví dụ, hôm qua con chưa làm được cái này, hôm nay con làm được là điều rất tuyệt vời. Theo chị Phan Hồ Điệp, trẻ con có một kẻ thù vô hình nhưng đáng sợ là "con nhà người ta". Việc bố mẹ hay so sánh với những đứa trẻ khác vừa khiến trẻ có thể tự ti, vừa nảy sinh lòng đố kị. "Bố mẹ đừng bao giờ so sánh con mình với con nhà người khác, hạn chế dùng những từ chê bai, đặc biệt không chê con trước đám đông", chị Điệp chia sẻ.

Nguyên tắc thứ ba là không nhấn vào các phẩm chất của con mà khen như: thông minh thế, tuyệt vời thế… Lý do chị Điệp đưa ra là không phải đứa trẻ nào cũng giỏi, thông minh nên nếu được khen nhiều những phẩm chất này, khi ra đời trẻ có thể thấy những lời khen trái với thực tế và thất vọng về mình. Cách mẹ Đỗ Nhật Nam làm là khen vào trạng thái của mẹ như: "Nam làm được cái này mẹ rất vui, tự hào, hạnh phúc…".

Nguyên tắc thứ tư, chú ý khen cả những thứ con không để ý. "Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này", chị Phan Hồ Điệp nói và phân tích việc khen con cả những thứ con vô tình làm như "đưa đồ chơi cho bạn" sẽ giúp trẻ hiểu rằng hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.

tu chuyen me quang hai khong goi con la nguoi hung den su chuan muc cua nhung ba me co con tai gioi

Nguyên tắc thứ năm là truyền đạt lại lời khen của người khác đến trẻ. Chị Điệp cho rằng, điều này làm lời khen có vẻ khách quan hơn. Chị cũng thường áp dụng nguyên tắc học trong cuốn Cha mẹ Nhật truyền cảm hứng cho con này với Nhật Nam và thấy hiệu quả. Ví dụ, chị thường lấy lời khen của ông hàng xóm kể lại với Nam như: ông khen Nam đi học về biết chào, hỏi mọi người. Cách này khiến Nam vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi mọi người khi đi học về.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, qua hai trường hợp dạy con ở trên thì thấy rằng, dạy con tưởng rất dễ nhưng lại vô cùng khó, ngược lại tưởng khó nhưng lại rất dễ. Để dạy con nên người, cách ứng xử trước thành công của con của bà Cúc tưởng là rất dễ nhưng thực tế lại vô cùng khó, bởi nó thuộc về bản năng. Còn cách dạy con của chị Phan Hồ Điệp, tưởng rất khó nhưng thực sự lại không đến nỗi quá khó bởi vì đó là tri thức. Tri thức thì các bà mẹ có thể học được, nếu muốn.

“Đứng trước sự thành công của con, ngay từ nhỏ, các bà mẹ phải ý thức rất rõ về nguy cơ bệnh "sao" của con khi mình khen tặng quá đà. Nếu các bà mẹ cho con mình là nhất, là không ai bằng thì đứa trẻ sẽ được tập thành tính cách kiêu ngạo, xem mình là số 1, là “sao”, là quan trọng. Ngay trong cuộc sống, bất cứ ai, dù có tài giỏi đến đâu nhưng nếu tự thấy mình là quan trọng, thấy vị trí mình đứng là to lớn ...thì người đó rất khó để phát triển, để “lớn” lên”, TS Quý nói.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.