Vừa qua, UBND TP Hạ Long đã có thông báo tổ chức đấu giá khu đất thuê để thực hiện dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải.
Khu đất theo quy hoạch được duyệt có diện tích hơn 4,7 ha. Phía bắc giáp mặt bằng tuyến cống hộp và đường Trần Quốc Nghiễn; phía đông giáp Bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Ninh; phía nam giáp mặt nước; phía tây giáp núi đá và mặt nước.
Trong đó, diện tích xây dựng công trình trên khu đất là 16.513 m2, gồm khu A (đất khu dịch vụ cao cấp) 6.587 m2; khu B (xây khách sạn, văn phòng dịch vụ) 3.130 m2 và khu C (phần mặt đất, mặt nước không phải là khu vực biển) 6.796 m2.
Ngoài ra, bao quanh khu đất là diện tích khu vực biển và diện tích mặt nước, cảnh quan, núi đá, giao thông hạ tầng kỹ thuật.
Đây là khu đất do UBND TP Hạ Long quản lý và chưa sử dụng. Đối với phần đất xây dựng công trình, nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, thời hạn 50 năm từ ngày có quyết định giao đất. Giá khởi điểm để đấu giá khu đất này là hơn 340 tỷ đồng.
Về chức năng của khu đất, nhà đầu tư trúng đầu giá đất sẽ thực hiện đầu tư dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp theo quy hoạch đã được phê duyệt của UBND TP Hạ Long. Tổng mức đầu tư dự án 1.039 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày được giao đất.
Theo tìm hiểu của người viết, trước đó vào tháng 10/2015, dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải đã được tổ chức động thổ với tên gọi Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay. Tuy nhiên, sau 6 năm, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.
Ở thời điểm khởi công năm 2015, Sheraton Hạ Long Bay có tổng mức đầu tư 40 triệu USD, là một tổ hợp Khách sạn 5 sao có quy mô gồm Tòa nhà khách sạn cao 15 tầng, tòa nhà văn phòng cao 12 tầng, nhà hội nghị cao 4 tầng và khu bể bơi, khu cầu cảng.
Các hạng mục chính của dự án gồm 265 phòng nghỉ tiêu chuẩn quốc tế 5 sao; 68 căn hộ cho thuê; khu dịch vụ tiền sảnh, quầy bar, nhà hàng, quầy lưu niệm, lễ tân, trung tâm mua sắm, các phòng họp nhỏ, khu thư giãn, sảnh đợi, bể bơi, phòng tập thể dục và một khu spa cao cấp; tổ hợp chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, dịch vụ giải trí, ăn uống, tổ chức sự kiện...
Chủ đầu tư dự án Sheraton Hạ Long Bay ban đầu là CTCP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long. Ngày 15/3/2016, C.L.U.B.M Hạ Long đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, địa phương yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu đưa khách sạn vào hoạt động vào cuối năm 2017.
Về phía doanh nghiệp, C.L.U.B.M Hạ Long đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch, thiết kế kiến trúc của Sheraton Hạ Long Bay theo hướng mở rộng quy mô, bổ sung hạng mục tòa nhà văn phòng, dịch chuyển vị trí khách sạn về phía biển.
Đến tháng 10/2016, doanh nghiệp tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh. Lần này, thời gian hoàn thành dự án mà tỉnh yêu cầu được dời sang tháng 6/2018.
Tháng 2/2017, C.L.U.B.M Hạ Long đã ký kết hợp tác thi công dự án Sheraton Hạ Long Bay với CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, tổng giá trị hợp đồng là 1.650 tỷ đồng.
Khởi công nhưng không được thực hiện, đến tháng 9/2017, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Hạ Long đã từng thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Sheraton Hạ Long Bay với tổng chi phí 1.600 tỷ đồng, Báo Đấu thầu đưa tin.
Ở đợt đấu thầu này, C.L.U.B.M Hạ Long là doanh nghiệp duy nhất tham gia ứng tuyển và đáp ứng yêu cầu hồ sơ, do đó đã được tỉnh chỉ định vẫn là nhà đầu tư dự án.
Mặc dù đã phải đấu thầu lại, song đến nay dự án vẫn không thể triển khai. Ngày 31/8 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thông báo đấu giá tìm nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của người viết, C.L.U.B.M Hạ Long được thành lập vào tháng 8/2015, có trụ sở chính tại dự án Sheraton Hạ Long Bay. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập gồm CTCP Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M (nắm 51%); ông Vũ Duy Thành (44%) và ông Lê Quốc Hưng (5%).
Giai đoạn tháng 12/2016 - 12/2017, C.L.U.B.M Hạ Long đã có ba lần tăng vốn. Tại ngày 29/12/2017, doanh nghiệp có vốn điều lệ 760 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Giải trí C.L.U.B.M lần lượt là 7,2 tỷ đồng, 5,9 tỷ đồng và 6,6 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp không có doanh thu.
Trong hai năm 2016 và 2017, LNST của doanh nghiệp này khá khiêm tốn, lần lượt là 47 triệu đồng và 56 triệu đồng. Giai đoạn 2018 - 2019, Giải trí C.L.U.B.M liên tục lỗ 1,2 tỷ đồng và 43 triệu đồng.
Tại đăng ký thay đổi mới nhất ngày 27/7/2021, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của C.L.U.B.M Hạ Long là ông Đỗ Vũ Diên, thay thế cho ông Vũ Duy Thành trước đó.
Thông tin người viết có được cho thấy, giai đoạn 2017 - 2019, C.L.U.B.M Hạ Long không ghi nhận doanh thu, song doanh nghiệp vẫn có lãi sau thuế trên dưới 10 triệu đồng mỗi năm.
Nói qua về các cổ đông của C.L.U.B.M Hạ Long, đầu tiên là Công ty Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M, doanh nghiệp này được thành lập tháng 11/2012, có trụ sở chính tại số 1, ngõ 163 Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại thời điểm ngày 2/8/2016, Giải trí C.L.U.B.M có vốn điều lệ gần 14,8 tỷ đồng. Trong đó, ba cổ đông được công bố là ông Đỗ Vũ Diên nắm 3,39% vốn góp; ông Vũ Duy Thành nắm 3,39% và ông Trần Đức Việt (Chủ tịch HĐQT) nắm 6,78%.
Đến 28/12/2017, ông Diên và ông Thành đã lần lần lượt thoái vốn khỏi Giải trí C.L.U.B.M.
Về ông Đỗ Vũ Diên và ông Vũ Duy Thành, cả hai người này còn tham gia vào những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái My Way Group, một tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn tại Quảng Ninh.
Đầu tiên phải kể đến là CTCP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 6/2014, có trụ sở tại dự án Times Garden Hạ Long, TP Hạ Long.
Thời điểm thành lập, My Way Hạ Long có vốn điều lệ gần 37 tỷ đồng, trong đó CTCP Khách sạn và Nghỉ dưỡng My Way sở hữu 50% vốn góp; ông Trần Đình Lâm nắm 35% và ông Lê Quốc Hưng (cổ đông C.L.U.B.M Hạ Long) nắm 15%.
Đến tháng 3/2015, ông Đỗ Vũ Diên xuất hiện trong danh sách cổ đông của My Way Hạ Long với tỷ lệ sở hữu 1%. Tại ngày 28/12/2017, My Way Hạ Long có vốn điều lệ 354,6 tỷ đồng.
Theo đăng ký thay đổi mới nhất ngày 26/7/2021, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Vũ Duy Thành, còn Tổng Giám đốc là ông Đỗ Vũ Diên.
Trên thị trường bất động sản, My Way Hạ Long được biết đến là chủ đầu tư dự án Times Garden Hạ Long, tổ hợp chung cư, văn phòng, TTTM, nhà phố được quy hoạch trên diện tích hơn 13.000 m2, nằm trên đường 25 tháng 4, TP Hạ Long. Dự án được khởi công tháng 2/2015.
Ngoài ra, thông tin từ TTXVN, vào năm 2019, My Way Hạ Long đã được giao quản lý, vận hành Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư án này là 1.151 tỷ đồng.
Nắm một nửa vốn góp của My Way Hạ Long là CTCP Khách sạn và Nghỉ dưỡng My Way. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 16 tỷ đồng, ba cổ đông sáng lập là ông Đỗ Vũ Diên, ông Vũ Duy Thành và CTCP My Way Hospitality.
Tuy nhiên, đến 28/12/2017, cả My Way Hospitality và ông Vũ Duy Thành đều thoái vốn khỏi doanh nghiệp, chỉ còn lại ông Đỗ Vũ Diên với tỷ lệ sở hữu 1,34%.
Ngoài ra, ông Đỗ Vũ Diên, ông Vũ Duy Thành và My Way Hospitality cũng từng là cổ đông sáng lập của một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái My Way là CTCP Thực phẩm và Dịch vụ My Way.
Nói thêm về My Way Hospitality, doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2006, sau này đã đổi tên thành CTCP Đầu tư Phú Gia Hà Nội. Hiện nay, doanh nghiệp có trụ sở trùng với địa chỉ của Giải trí C.L.U.B.M.
Chủ tịch HĐQT của Phú Gia Hà Nội là ông Đỗ Vũ Đạt, người đồng thời là đại diện pháp luật của CTCP Thực phẩm và Đồ uống My Way.
Hồi tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Vịnh Ngôi Sao, một doanh nghiệp liên quan MIKGroup, đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 490 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng một phần dự án được ký kết với CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử.
CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử quy mô 136 ha, thuộc địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành.
Dịch vụ Tây Yên Tử được thành lập vào tháng 7/2014, có trụ sở tại thị trấn Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu, Huyện Sơn Động, Tỉnh Bắc Giang.
Thời điểm thành lập, Tây Yên Tử có vốn điều lệ 18 tỷ đồng với 6 cổ đông sáng lập, trong đó có một số thành viên là các lãnh đạo chủ chốt trong hệ sinh thái My Way.
Cụ thể, ông Đỗ Vũ Diên nắm 4,5% vốn điều lệ của Tây Yên Tử; ông Lê Quốc Hưng (cổ đông C.L.U.B.M Hạ Long) nắm 25%; ông Nguyễn Mạnh Hùng (cổ đông lớn của My Way Hạ Long) nắm 25%.
Đến tháng 5/2016, Tây Yên Tử tăng vốn lên 223 tỷ đồng. 5/6 cổ đông của doanh nghiệp, trong đó có ông Hưng và ông Hùng lần lượt thoái hết vốn. Nhóm cổ đông liên quan đến My Way chỉ còn lại ông Đỗ Vũ Diên với tỷ lệ sở hữu 35% tại Tây Yên Tử. Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng 65% còn lại không được tiết lộ
Cùng thời điểm nói trên, người đại diện pháp luật của Tây Yên Tử được chuyển từ ông Lê Quốc Hưng sang ông Trần Văn Chiến, người đồng thời là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Tháp Láng Hạ - chủ đầu tư toà tháp VPBank Tower tại 89 Láng Hạ, Hà Nội.
Có một điểm trùng hợp, VPBank cũng chính là đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu 490 tỷ đồng của Vịnh Ngôi Sao hồi tháng 6 để nhận chuyển nhượng dự án Tây Yên Tử.