10 năm kinh doanh trồi sụt, APEC Investment vẫn ôm hai dự án TTTM nghìn tỷ 'treo' tại Hà Nội và Thái Nguyên

TTTM Chợ Tam Đa (Hà Nội) và TTTM Thái Nguyên được giao cho APEC Investment đầu tư cách đây hơn 10 năm, song đến nay hai dự án này đều chưa có kế hoạch xây dựng và phương án thiết kế cụ thể. Cũng trong 10 năm ôm hai dự án treo nêu trên, tình hình hoạt động kinh doanh của APEC khá trồi sụt.

CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Investment, Mã chứng khoán: API) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 6 tháng đầu năm 2021 sau soát xét.

Tính đến 30/6/2021, danh mục chi phí xây dựng dở dang dài hạn của APEC có giá trị hơn 68 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở hai dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên (59 tỷ đồng) và dự án Chợ Tam Đa (gần 6 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cả hai dự án này đều đã được triển khai cách đây 10 năm, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.

10 năm kinh doanh trồi sụt, APEC Investment còn ôm hai dự án TTTM nghìn tỷ 'treo' tại Hà Nội và Thái Nguyên - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC bán niên 2021 sau soát xét của APEC Invesment.

Dự án nghìn tỷ sau chục năm chưa giải phóng xong mặt bằng

Theo tìm hiểu, dự án Trung tâm thương mại Thái Nguyên có diện tích 1.426 m2, là một hạng mục nằm trong Tổ hợp thương mại dịch dịch vụ văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Tổ hợp này được khởi công từ năm 2010, có quy mô 5,1 ha, bao gồm 42 căn biệt thự, 28 căn nhà chia lô, một tòa nhà căn hộ cao cấp 10 tầng, một tòa chăm sóc sức khỏe quốc tế 9 tầng và tòa tháp đôi trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê 12 tầng. 

Sau hơn 10 năm triển khai, dự án hiện vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo APEC, trong nửa đầu năm có sự thay đổi trong phương án thiết kế dự án, hiện vẫn chưa có phương án cụ thể được duyệt.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV vừa qua, cử tri phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên đã đề nghị giải quyết dứt điểm dự án của APEC.

Đối với dự án Chợ Tam Đa có tên đầy đủ là Trung tâm thương mại Chợ Tam đa, nằm trên khu đất 783 m2 tại số 11 Dốc Tam Đa, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án Tam Đa có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng.

TTTM Chợ Tam Đa treo 10 năm ở Hà Nội: Gần hồ Tây và hai tuyến metro, hiện chưa có kế hoạch xây dựng - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án trung tâm thương mại Chợ Tam Đa. (Ảnh: API).

Dự án Chợ Tam Đa được APEC quản lý kinh doanh và khai thác từ năm 2011. Năm 2012, doanh nghiệp cho biết dự án đã được UBND TP Hà Nội giao đất, thực hiện hợp đồng thuê đất, lập đồ án thiết kế đầu tư trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.

Đến năm 2013, dự án đã được Hà Nội cấp phép đầu tư, ký hợp đồng cho thuê đất, hoàn thành hồ sơ bàn giao mốc giới cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, dự kiến khởi công trong năm 2014 và hoàn thành trong quý II/2015.

Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên năm 2014, APEC cho biết đang lập lại dự án đầu tư, triển khai thiết kế quy hoạch theo đúng chức năng được phê duyệt. Năm 2015, dự án hoàn thành thủ tục thuê đất và có sổ đỏ mang tên APEC, thời gian khởi công được lùi sang năm 2016.

Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, APEC cho biết công ty vẫn chưa có kế hoạch xây dựng cụ thể Chợ Tam Đa. Như vậy, sau 10 năm, Chợ Tam Đa vẫn chưa được hoàn thành.

Theo ghi nhận của người viết, dự án này cũng không xuất hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của quận Tây Hồ.

10 năm kinh doanh trồi sụt của chủ đầu tư APEC Investment

Nhìn lại tình hinh hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư APEC, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trồi sụt trong 10 năm qua. 

Trước thời điểm năm 2016, doanh nghiệp gần như không có doanh thu và lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong giai đoạn tiếp theo (2016 - 2020), tình hình kinh doanh của APEC tích cực hơn, xong tăng trưởng không ổn định. 

10 năm kinh doanh trồi sụt, APEC Investment còn ôm hai dự án TTTM nghìn tỷ 'treo' tại Hà Nội và Thái Nguyên - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh 10 năm gần đây của APEC Invesment. (Nguồn: Hoàng Huy tổng hợp).

Song sang năm 2021, tình hình kinh doanh của công ty có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt nhờ dự án Aqua Park Bắc Giang và Royal Park Huế. 

Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần APEC là 377 tỷ đồng, tăng 52% và lãi ròng đạt 28 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2021, APEC đặt kế hoạch doanh thu 580 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 62 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp đã thực hiện 65% mục tiêu doanh thu và 45% mục tiêu lợi nhuận.

Tài sản của APEC tính đến 30/6 là 2.751 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 59% tổng tài sản (1.615 tỷ đồng), chủ yếu là chi phí dở dang tại dự án Mandala Phú Yên (617 tỷ đồng); Royal Park Huế (397 tỷ đồng); hàng hóa bất động sản tại Aqua Park Bắc Giang (267 tỷ đồng)...

Nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm 30/6 là 2.196 tỷ đồng, trong đó người mua trả tiền trước ngắn hạn chiếm 1.069 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 537 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, APEC cho biết, trong năm nay doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các dự án Aqua Park Bắc Giang, dự án căn hộ cao cấp tại Huế, dự án Dubai - Ninh Thuận và KCN Đa Hội.

Với dự án trung tâm thương mại tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, doanh nghiệp sẽ tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đối với trung tâm thương mại Chợ Tam Đa, dự án này không được đề cập đến trong kế hoạch của APEC. 

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.