1. Vinh danh một con khỉ
Vậy là xong, chiều qua, 14/3, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, việc dựng mô hình Kong tại khu vực tượng đài Cảm tử tại Hồ Gươm là không phù hợp và bác bỏ dự án này.
Trước đó, ngày 3/3 Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị phối hợp dựng phối cảnh 3D bộ phim Kong: Skull Island (Đảo Đầu lâu) “tại một điểm nổi bật trên khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm” với lý do là “nhằm tận dụng sức ảnh hưởng dự án phim có mức đầu tư cao và được công chúng toàn cầu chờ đợi và lần đầu tiên một bộ phim Hollywood có quay tại Việt Nam” để quảng bá cho du lịch Hà Nội và Việt Nam.
Được biết, giáo sư Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà Hà Nội học, nhà Rùa học- người có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Gươm đã nhiều lần gọi điện cho ông Tiến để tỏ ý phản đối. Việc quyết định chỉ để mô hình Kong ở vị trí khác như công viên, trung tâm chiếu phim quốc gia… có lẽ là hợp lý hơn cả.
Poster phim “Kong: Skull Island” (Ảnh: Los Angeles Times) |
Tin này làm cho những người phản đối thở phào, còn những tấm ảnh chế King Kong có mặt tại Hồ Gươm, King Kong đang ăn phở ở một triền núi Tây Bắc, Kinh Kong đấu nhau với Rùa thần, King Kong ngồi trên nóc Hàm Cá Mập đang tung hoành khắp các mạng xã hội.
Dĩ nhiên, việc kỳ vọng phim Kong là một cú hích để du lịch Việt Nam nhân đà này mà cất cánh là điều dễ hiểu, và nên làm, nhưng làm như thế nào để hợp lý? Theo nhà báo Mai Như Ngọc cho biết: “Gần 20 tờ báo ở Đức – một trong những thị trường lớn nhất ở châu Âu- có nhắc tới hay review bộ phim này, chỉ duy nhất một tờ đề cập đúng một câu tới địa điểm quay phim. Câu đó là: “Những cảnh trong phim được quay tại Hawaii, Việt Nam, và Australia”, không kèm theo lời bình luận nào.
Bức ảnh hài hước gây tranh luận: Người thì cho rằng, đặt mô hình Kong ở quanh khu vực phố cổ cũng là điều chấp nhận được nếu như nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Người thì nói tuyệt đối không,vì không gian quanh Hồ Gươm là khu vực di sản, nhưng cuối cùng Sở VH-TT-DL đã phản bác lại dự án này. (Ảnh: ICTnews) |
Vậy thì chúng ta có nên trông chờ vào kỳ tích của King Kong một cách thái quá như vậy không? Thay vào đó, nếu nhìn nhận Kong như một cơ hội, thì bây giờ là lúc xây dựng một hệ thống doanh nghiệp để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm giải trí lấy bối cảnh Việt Nam để có thêm hàng trăm bộ phim lớn được quay tại nước ta. Đã có rất nhiều bộ phim bom tấn “không may mắn” hoặc không tìm được tiếng nói chung trong việc chọn bối cảnh ở nước ta cho dù họ rất muốn, và đã nhắm tới. Việc đưa cả đoàn phim tới nghiên cứu, lựa chọn hậu kỳ gây không ít tốn kém, nhưng khi họ đã chọn mà phải bỏ, ắt là có nhiều lý do “khó nói”.
Thế nên, cho dù phim King Kong đã có nhiều thiện ý, nhã ý, dù cho đạo diễn đã được chọn làm Đại sứ du lịch Việt Nam và thậm chí còn có ý định mua nhà tại Việt Nam để sinh sống, đủ hiểu anh đã “phải lòng” Việt Nam. Nhưng điều gì từ thực lực, sẽ phát triển bền vững hơn là phải dựa vào vòng hào quang của một bộ phim mà ta cũng chưa biết sẽ thắng-thua trên thị trường quốc tế ra sao.
2. Vinh danh người gánh nước lâu nhất Việt Nam
Cụ Nguyễn Đường, 90 tuổi sống cùng vợ là cụ bà Nguyễn Thị Mỹ 88 tuổi, nuôi người con tâm thần trong căn nhà chật chội 25m2. Sống ở Hội An làm nghề gánh nước thuê. Sáng sớm, cụ quẩy đôi gánh trên vai ra giếng Bá Lễ, cách nhà khoảng 50m để gánh nước thuê cho khách hàng. Mỗi gánh cụ được trả 10 ngàn đồng. Tất cả đều đưa cho vợ giữ, người vợ cũng lên tuổi cụ đã lâu, và dạo này lại bị thấp khớp ốm yếu.
Vợ và đứa con trai nửa tỉnh nửa mê của cụ Đường (Ảnh: Vũ Trung) |
Bản thân cụ Nguyễn Đường cũng tâm sự với báo chí: “Nghề ni cực lắm chứ giỡn mô. Chừ sức yếu, đi không cũng đã khó, huống chi là gánh nước. Nhất là khi trời mưa, đường trơn lắm. Tui phải cố gắng bám mười đầu ngón chân và cả bàn chân xuống mặt đường sao cho trụ vững. Mà có mấy lần trượt ngã, gánh nước văng mỗi đầu một gàu, nên tui mới bảo thằng Quốc (Con trai 50 của ông bị tâm thần) đi phụ giúp. Phần để nó ra đường tiếp xúc, phần rủi tui có làm sao, có nó đỡ kịp”.(Trích trên báo Giác Ngộ).
Chuyện lạ đất Việt: Cụ già gánh nước xuyên hai thế kỷ-trong khi ở độ tuổi này, cụ phải được nghỉ thảnh thơi hoặc được nhà nước nuôi nếu gia cảnh khó khăn như này. (Ảnh: Vũ Trung) |
Lẽ ra, với độ tuổi của ông, phải được ngồi thảnh thơi bên con cháu, hoặc được nhà nước trợ nuôi. Đằng này 90 tuổi vẫn đi gánh nước thuê để đảm bảo cuộc sống sinh tồn của mình, thêm vợ, và người con trai tâm thần.
Thế mà tổ chức kỷ lục Việt Nam tìm về tận nơi để trao cho cụ cái xác nhận Kỷ lục Việt Nam, tôi cũng không biết, để họ nhắc nhở mọi người trân trọng thương cảm ông, hay để nhằm xác định một sự thật buồn cho một gia cảnh buồn? Có lẽ, cụ Đường xứng đáng được nêu tấm gương điển hình là người kiên nhẫn, chịu khó lao động hơn chán vạn người trẻ khỏe lại đi lừa đảo, ăn xin của người khác. Nếu có kiếp sau, xin ông Đường được một cuộc sống tốt đẹp hơn, không còn phải nhận tấm bằng kỷ lục buồn như vậy!
3.Ngành giáo dục và “kỷ lục” phá phách của hai cậu bé hacker 15 tuổi bỏ học
Cơ quan chức năng tá hỏa khi các website Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa bị hacker tấn công, xâm nhập, Cục an ninh mạng đã điều tra và xác nhận, thủ phạm là hai thiếu niên mới chỉ 15 tuổi. Đặc biệt, P.H.H đã bỏ học từ năm 2016. H. khai mình là thành viên nhóm tin tặc GLA Team, X-Group… Theo H. mục đích tấn công các trang web sân bay để tìm lỗ hổng bảo mật của sân bay và chỉ để khoe thành tích với các hacker khác. Cùng với em H. là hacker L.C.K.D ngụ tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. K.D là người khai thác lỗ hổng bảo mật và xâm nhập website của sân bay Tân Sơn Nhất, còn H. thực hiện việc tấn công vào website của 4 Hãng hàng không: Rạch Giá, Phú Quốc, Đà Nẵng và Tuy Hòa. Đặc biệt, hai hacker này đã không lấy hoặc xóa bất cứ dữ liệu nào trong hệ thống.
Thông tin hacker để lại sau khi thay đổi giao diện một trang con của sân bay Tuy Hòa và hình ảnh 2 hacker 15 tuổi (ảnh nhỏ). Ảnh: Trí thức trẻ |
Rõ ràng, không thể đổ tội cho nền giáo dục nước nhà. Nhưng đây là một bài học khá “đắng”. Hai em học sinh có biệt tài về tin học nhưng nhà trường chắc cũng không hề hay biết mà có hướng giáo dục sao cho các em có thể dùng sở trường của mình để phục vụ cho những ích lợi nước nhà, mà ngược lại, đi làm kẻ phá hoại chỉ để khoe khoang thành tích của mình với nhóm hacker khác. Đồng thời “cười vào mũi” những dịch vụ bảo mật đắt tiền của các trang website sân bay, một sự việc khá quan trọng và cần trừng trị nghiêm minh nhưng cũng là một bài học đáng “vinh danh” cho ngành giáo dục và gia đình đã không thể gần gũi hiểu con em mình, để chúng bỗng chốc trở thành những người "hùng" ngược chiều.