Cuộc sống là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có được. Ai cũng hiểu rằng cuộc sống này có giới hạn và mỗi chúng ta chỉ được sống một lần. Ai cũng muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, làm được những điều tuyệt vời. Vậy mà có những người lại không muốn đi trọn một kiếp người. Họ chọn cách ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.
Những ngày tháng 12 lạnh lẽo càng trở nên ảm đạm hơn trước tin một ca sĩ nổi tiếng mới qua đời. Ngày 18/12, cả châu Á bàng hoàng khi hay tin ca sĩ Jonghyun (SHINee) tự tử trong một căn hộ tại Chungdamdong. Là một nghệ sĩ tài năng và nổi tiếng, tại sao anh lại tìm đến cái chết? Câu trả lời nằm trong lá thư tuyệt mệnh.
Thêm một nạn nhân qua đời vì bệnh trầm cảm
Trong lá thư tuyệt mệnh, Jonghyun tiết lộ rằng anh là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm. 'Bên trong tôi mọi thứ đã vỡ vụn. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm tôi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể nào chống lại nó.'
Có lẽ anh đã sống chung và chiến đấu với căn bệnh trầm cảm từ lâu, nhưng cuối cùng anh đã không chiến thắng. Trầm cảm giống như một hội chứng của thời đại, nó cướp đi mạng sống của nhiều người, nó lây lan thành dịch bệnh và có lẽ còn nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
Người bệnh ung thư ít ra vẫn còn ý chí và nghị lực sống, còn người bệnh trầm cảm thì chẳng còn thiết tha gì với cuộc sống này. Thứ bị phá hủy không phải là tế bào của cơ thể mà chính là tinh thần, mọi thứ vỡ vụn từ bên trong.
Bệnh trầm cảm không làm người bệnh chết đột ngột, nó giết nạn nhân một cách từ từ. Có những người không vượt qua được đã chọn cách tự tử để cái chết đến nhanh hơn. Những con số biết nói cho thấy bệnh trầm cảm đáng sợ hơn chúng ta tưởng tượng.
Bệnh trầm cảm đáng sợ như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 850.000 người tự tử vì bệnh trầm cảm. Dự báo đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ 2 về gánh nặng bệnh lý toàn cầu, sau bệnh tim mạch. WHO ghi nhận khoảng 5.000 người chết do tự tử vì bệnh trầm cảm mỗi năm ở Việt Nam.
Trầm cảm không phải là một cơn buồn chán vu vơ, có thể hết sau vài ngày, nó được coi là một căn bệnh. Tuy nhiên nỗi khổ của những người mắc các bệnh tâm lý là không dễ dàng được chẩn đoán như những căn bệnh khác. Thế nên chỉ 25% người mắc bệnh trầm cảm được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Người mắc bệnh trầm cảm mất hết hứng thú với cuộc sống, ngay cả với những việc mà họ từng rất yêu thích. Họ ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, thậm chí có những người thức trắng nhiều ngày liền. Những bất ổn về tâm lý kéo theo sự suy nhược về cơ thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Người bị trầm cảm thường tự nhốt mình trong thế giới cô độc, cảm giác không ai hiểu mình, không ai quan tâm đến mình. Họ luôn mặc cảm bản thân thật thua kém, thất bại. Họ cũng vật lộn, đấu tranh để sống nhưng kiên trì không nổi, cảm giác đó giống như bị lún sâu vào một vũng bùn lầy. Cuối cùng, cái chết là thứ duy nhất họ quan tâm.
Như Jonghyun viết trong bức thư: 'Tôi chán ghét bản thân mình, tôi cố gắng bấu víu những ký ức rời rạc và hét lên để mong có thể níu kéo tất cả lại, nhưng rốt cuộc chẳng có lời hồi đáp nào. Nếu như không còn cách nào thoát khỏi cảnh ngột ngạt này, thì tốt nhất nên kết thúc.'
Người bị trầm cảm không tự tử vì đau khổ, họ tự tử vì không tìm thấy lý do để tiếp tục sống và thế giới sẽ đỡ phiền hơn khi không có họ.
Dường như có tất cả mọi thứ, tại sao người ta vẫn từ bỏ tất cả?
Theo chia sẻ của bạn thân Jonghyun, những điều khiến giọng ca chính của SHINee phiền muộn là âm nhạc, đời tư không có vấn đề gì, quan hệ với gia đình và đồng nghiệp vẫn tốt. Jonghyun nói rằng mình không đáp ứng được mong đợi của những người xung quanh, anh muốn làm tốt nhưng dường như năng lực còn thiếu sót, càng nhiều tuổi càng bị tụt lại.
Suốt 9 năm hoạt động trong ngành giải trí, sự nghiệp của Jonghyun có lúc thăng lúc trầm nhưng không thể phủ nhận Jonghyun là một nghệ sĩ tài năng và có nhiều đóng góp tích cực cho nền giải trí Hàn Quốc.
Không chỉ là giọng ca chính của SHINee, Jonghyun còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ, từ bass, guitar đến piano. Ngoài ra, anh còn biết đến với vai trò viết nhạc, anh từng viết nên những bản hit của SHINee như Juliette, Obsession, View và sáng tác nhạc cho những nghệ sĩ nổi tiếng khác như IU, EXO, Lee Hi, Son Dam Bi,…
Thế nhưng tài năng, sự nổi tiếng đôi khi lại không song hành cùng hạnh phúc. Khi danh tiếng vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc cũng là lúc anh nhận ra rằng 'Cuộc sống nổi tiếng này không bao giờ tôi thuộc về.' Người ta không bao giờ có được cùng lúc tất cả mọi thứ mà để có được thứ này phải đánh đổi bằng thứ khác. Cuộc sống của người nổi tiếng phải đánh đổi bằng những áp lực, phải giữ gìn hình tượng, cuộc sống riêng tư cũng bị can thiệp quá nhiều.
Jonghyun từng lộ tin hẹn hò với nữ diễn viên Shin Se Kyung vào năm 2010. Tin tức này đã vấp phải làm sóng phản đối mạnh mẽ, không ít fan của Jonghyun đã vào khủng bố trang cá nhân của Shin Se Kyung. Cuối cùng cặp đôi phải chia tay trước áp lực dư luận quá lớn. Từ đó đến khi qua đời, Jonghyun không vướng phải bất kỳ tin đồn tình cảm nào khác.
Cuối cùng Jonghyun đã nhận ra rằng cuộc sống nổi tiếng này không thuộc về mình, anh không thật sự sống vì bản thân mình mà phải sống theo kỳ vọng của người khác. 'Tôi chất vấn bản thân mình rằng tại sao tôi cần tiếp tục sống hàng trăm lần, thì câu trả lời cũng không phải vì tôi, mà là vì mọi người.'
'Xin đừng nói lời nào nếu như bạn không hiểu'
Đó là lời cuối lá thư tuyệt mệnh của Jonghyun, cũng là lời van xin khẩn thiết của những người mắc bệnh trầm cảm. Tất cả những gì họ cần không phải là những lời khuyên, cũng không phải là những lời phán xét mà họ chỉ cần sự lắng nghe, thấu hiểu.
'Muốn biết lý do vì sao tôi đau đớn? Tôi đã nói với các bạn rồi. Tại sao các bạn không chịu lắng nghe?'
Khi một người tự tử, những người còn sống sẽ cho rằng tự tử là dại dột, ích kỷ, không nghĩ đến gia đình và những người khác. Nhưng ai mới thật sự là người ích kỷ đây? Khi một người bị trầm cảm đến mức muốn tìm đến cái chết thì ngay cả đến bản thân mình họ cũng không gánh vác nổi nữa rồi. Lúc này họ mới là người cần được giúp đỡ, thế nên xin đừng phán xét nếu bạn không hiểu.
Những người định tự tử mà thông báo cho người khác biết thì chí ít họ vẫn có thể được cứu giúp, bởi điều họ cần là sự chú ý của người khác. 'Tôi muốn chết' chỉ là một cách nói khác của câu 'Xin hãy giúp đỡ tôi!' Còn những người thật sự muốn chết thì lại ra đi một cách lặng lẽ, chết lúc nào chẳng ai hay.
Những người bệnh trầm cảm thường nhận được lời khuyên phải suy nghĩ tích cực, phải cố gắng vượt qua và sống vui vẻ. Không phải họ không muốn vượt qua, chỉ là vượt qua không nổi, họ không thể cố gắng thêm nữa. Như Jonghyun viết: 'Nếu như bạn hỏi tôi rằng tại sao tôi lại ra đi, tôi sẽ trả lời rằng tôi đã quá kiệt sức rồi. Tôi chưa bao giờ học cách biến những nỗi đau kiệt quệ trở thành niềm vui. Nỗi đau vẫn chỉ là nỗi đau.'
Họ chọn cách ra đi như một lối thoát duy nhất của mình. Thế nên đừng phán xét gì thêm nữa, hãy để người đã khuất được thanh thản.
'Xin hãy nói với tôi rằng tôi đã làm tốt. Như thế là đủ rồi. Rằng tôi đã làm việc chăm chỉ. Cho dù bạn chẳng thể nở nụ cười khi tiễn tôi, thì cũng mong bạn không đổ lỗi cho tôi. 'Bạn đã làm tốt rồi, bạn thực sự đã vất vả rồi. Tạm biệt.'