Những ngày qua, sự việc bé Nguyễn Hải An (SN 2010, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời đã khiến cho cộng đồng xã hội cảm phục. Hành động này của bé gái 7 tuổi và người mẹ đã thức tỉnh bao trái tim về tinh thần vì cộng đồng, muốn để lại một phần cơ thể của mình giúp ích cho đời.
Theo lãnh đạo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), đơn vị này sẽ có kiến nghị gửi Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác để điều chỉnh thủ tục tiếp nhận đối với những trường hợp người bị chết não, ngay cả với người dưới 18 tuổi.
![]() |
Lễ tang cháu Nguyễn Hải An khiến cho hàng nghìn người tiếc thương, rơi lệ vì nghĩa cử cao đẹp của bé. (Ảnh: Đình Tuệ) |
Trao đổi với chúng tôi, Th.sĩ Luật sư (LS) Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội bày tỏ sự cảm phục trước tấm gương vì cộng đồng của bé Hải An. Ông cho rằng, việc kiến nghị sửa đổi luật này cần được xem xét cẩn trọng dưới nhiều góc độ.
LS Đặng Văn Cường phân tích, theo quy định tại điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác người quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác nêu rõ: Người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Như vậy với quy định của pháp luật hiện hành thì người chưa đủ 18 tuổi không được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác. Vì vậy trường hợp bệnh viện từ chối nhận, làm thủ tục để hiến xác của bé An là phù hợp với quy định pháp luật.
Việc bé Hải An hiến giác mạc cho y học là một hành động dũng cảm và đầy cảm xúc. Vấn đề này đã thể hiện lòng nhân ái, tình cảm, sự hy sinh về trách nhiệm của một công dân khi còn rất nhỏ tuổi trước cộng đồng xã hội. Hành động này đã làm xúc động trái tim biết bao người Việt Nam, đặc biệt là những người bệnh đang chờ được ghép giác mạc.
Tình cảm của bé Hải An và gia đình rất đáng được trân trọng. Đây cũng là một trường hợp gây chú ý, để các nhà làm luật tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực này, sao cho phù hợp với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Không chỉ giải quyết tốt hơn nhu cầu chữa bệnh, là điều kiện để phát triển y học tốt hơn mà còn nhân lên niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang từng ngày chờ được nhận "những món quà vô giá".
![]() |
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Cũng theo LS Cường, pháp luật quy định công dân chưa đủ 18 tuổi là trẻ em, người chưa thành niên. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, họ cần có người giám hộ. Việc quyết định những vấn đề liên quan đến quyền nhân thân của họ và quyền tài sản của họ phải được sự đồng ý của người giám hộ. Những văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh tới quyền, nghĩa vụ, bảo vệ đối tượng này là Luật trẻ em, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ Luật dân sự...
"Trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế trong xã hội cần phải có sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình và cộng đồng xã hội. Nếu sửa đổi luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người để hạ độ tuổi người được quyền hiến xác hoặc quy định về việc trẻ em được hiến xác thì cũng cần lưu ý đến các văn bản pháp luật khác. Điều này sẽ đảm bảo sự đồng bộ và có thể áp dụng trên thực tế, đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của xã hội hiện nay và phục vụ cho sự phát triển của y học nước nhà.
Việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể của trẻ em cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế và luật trẻ em hiện hành, phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng và sự đồng ý phối hợp của gia đình các em thì mới đảm bảo công bằng, văn minh và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật này", LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho hay, nhu cầu hiến các bộ phận cơ thể của những bệnh nhân là người chưa thành niên hiện nay rất cao. Do đó, quyết định hiến xác của người chưa thành niên sau khi chết để phục vụ cho y học hoặc để cấy ghép cho các bệnh nhân là điều hoàn toàn có thể được đưa vào luật và triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, khi luật hóa những vấn đề này thì cần phải rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan đến trẻ em cũng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cần quy định trình tự thủ tục hết sức chặt chẽ, có sự giám sát của cơ quan chức năng để tránh việc lợi dụng các quy định pháp luật này để xâm hại đến trẻ em, gia tăng tình trạng bắt cóc trẻ em, gây mất ổn định trật tự xã hội, làm mất đi mục đích và ý nghĩa nhân văn của quy định pháp luật này.
'Bố mẹ không thể cho thứ không phải của mình được'Ở một góc độ khác, LS Lê Văn Thiệp - Văn phòng luật sư Toàn Cầu (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác người quy định quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác sẽ không hề dễ dàng. "Quyền giám hộ của bố mẹ đối trẻ em là về tài sản, nhưng nếu động chạm đến thân thể của trẻ sau khi qua đời còn là vấn đề gây tranh luận. Muốn vậy ta phải xem xét lại các quy định của pháp luật liên quan đến Luật trẻ em để xem quyền đó được quy định ra sao. Bố mẹ không thể cho thứ không phải là của mình được. Tôi rất cảm phục trước hành động đầy cao cả của cháu Hải An cũng như gia đình khi tự nguyện hiến giác mạc cho y học để có cơ hội đem lại ánh sáng cho hai bệnh nhân khác. Còn việc sửa đổi luật liên quan đến hiến tạng với trẻ em thì cần phải bàn luận thêm nhiều ở các cấp cao hơn", LS Thiệp nói. |
![]() |
Sau sự việc bé gái 7 tuổi hiến giác mạc: Đề xuất sửa đổi Luật ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
Lãnh đạo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) cho hay, đơn vị này sẽ kiến nghị với Chính phủ, Quốc ... |