Thông qua vụ kiện chống Facebook độc quyền, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đạt được bước tiến quan trọng đến khả năng chia tách đế chế kinh doanh của tỉ phú Mark Zuckerberg. FTC cáo buộc Facebook lạm dụng quyền lực to lớn trong môi trường mạng xã hội để hạn chế cạnh tranh.
Theo Bloomberg, FTC và một liên minh giữa các bang cũng khởi kiện Facebook tập trung vào việc công ty này mua lại Instagram với giá 715 triệu USD vào năm 2012 và thương vụ 22 tỉ USD cho WhatsApp hai năm sau đó.
FTC viết trong đơn khiếu nại rằng hai thương vụ trên được thực hiện nhằm "dập tắt" các mối đe dọa cạnh tranh. Giờ đây, FTC muốn Facebook thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp. Ý tưởng này gây ra mối đe dọa sống còn cho đế chế CEO Mark Zuckerberg xây dựng.
Kết phiên giao dịch 9/12, cổ phiếu Facebook giảm gần 2%.
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cho biết: "Nhà đầu tư sợ công ty bị chia tách vì việc này có thể phá vỡ mô hình kinh doanh". Nhưng ông nghĩ rằng nguy cơ Facebook thực sự phải chia tách là rất thấp khi không có những thay đổi về luật pháp từ phía Quốc hội.
"Vụ kiện chống độc quyền của FTC khá ầm ĩ trên báo chí nhưng nó không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Facebook trong tương lai gần".
Dù rủi ro thấp đến đâu nhưng bất kì dấu hiệu nào cho thấy FTC muốn Facebook chia tách cũng có thể kéo giá cổ phiếu đi xuống.
Facebook dự đoán rằng một ngày nào đó nền tảng mạng xã hội chính của mình sẽ mất đi sức hút. Do vậy, công ty đã mua lại đối thủ là Instagram và WhatsApp vì muốn làm chủ những ứng dụng mà mọi người sẽ chuyển sang, Bloomberg nhận định.
Việc chia tách sẽ loại bỏ gần hết biện pháp phòng vệ Mark Zuckerberg thiết lập cho tương lai của Facebook và số tiền đầu tư khổng lồ vào Instagram và WhatsApp. Facebook lập luận rằng khoản đầu tư đó đã tạo ra thành công của Instagram và WhatsApp.
Dưới đây là tác động của việc chia tách đến triển vọng của Facebook, theo phân tích của Bloomberg:
Facebook sắp hết chỗ đặt quảng cáo trên mạng xã hội hàng đầu của mình. Do vậy, công ty đang nhắm đến doanh thu tiềm năng của hoạt động mua sắm.
Năm nay, Facebook đã tạo ra cách thức mua sắm trực tiếp thông qua hình ảnh và video trên Instagram, đồng thời tập hợp các doanh nghiệp trên khắp thế giới sử dụng WhatsApp để giao tiếp với khách hàng. Để hiện thực hóa tham vọng thương mại, Facebook yêu cầu doanh nghiệp phải có trang Facebook để chạy quảng cáo Instagram.
Con đường trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử của Facebook sẽ trắc trở hơn rất nhiều nếu mất đi mối liên kết với Instagram và WhatsApp.
Số lượng người dùng của Facebook đã bắt đầu chững lại ở một số thị trường có giá trị nhất. Công ty cũng đã cảnh báo suốt nhiều năm rằng không gian quảng cáo chính trên News Feed sắp bão hòa. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng doanh thu gần đây của Facebook chủ yếu được thúc đẩy bởi Instagram.
Bloomberg cho biết Instagram mang lại khoảng 20 tỉ USD vào năm 2019, tương đương 29% tổng doanh thu bán quảng cáo của Facebook năm ngoái. Công ty nghiên cứu EMarketer dự đoán doanh thu năm 2020 của Instagram sẽ đạt 28,1 tỉ USD, bằng khoảng 37% tổng doanh thu quảng cáo của Facebook. Như vậy, Instagram sẽ đóng góp phần lớn cho tăng trưởng doanh thu quảng cáo hàng năm của Facebook.
Ngược lại, WhatsApp không mang về đồng nào cho Facebook. Nhưng tình trạng này được cho là sẽ sớm thay đổi khi Facebook đặt cược lớn vào các công cụ thanh toán, thương mại và dịch vụ khách hàng cho hơn 2 tỉ người dùng của WhatsApp.
WhatsApp và Instagram đem đến cho Facebook chỗ đứng vững chắc tại các thị trường phát triển nhanh như Ấn Độ và Brazil. Ở một số quốc gia, WhatsApp hoặc Instagram vượt xa công ty mẹ về số người dùng. Tại Ấn Độ, WhatsApp có nhiều hơn 100 triệu người dùng so với Facebook, theo EMarketer. Ở Nhật Bản, Instagram có hơn 70% người dùng so với nền tảng chính của Facebook.
Việc đánh mất hai ứng dụng trên sẽ làm giảm đáng kể tổng cơ sở người dùng và doanh thu của Facebook.
Mọi người đều dùng Facebook, trừ thanh thiếu niên. Pew Research phát hiện rằng 51% thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi nói rằng họ sử dụng Facebook vào năm 2018, giảm mạnh so với tỉ lệ 71% vài năm trước đó. Trong khi đó, Instagram được 72% thanh thiếu niên Mỹ sử dụng.
Facebook không còn phổ biến với thế hệ người dùng Internet trẻ tuổi như trước đây nữa, một phần vì phải cạnh tranh với các đối thủ mới như Snapchat hay TikTok.
Nếu không có Instagram, Facebook sẽ phải xây dựng sản phẩm của riêng mình để thu hút nhóm người dùng Internet trẻ tuổi nhất và được săn đón nhất. Đây là nhiệm vụ mà Facebook không thể thực hiện trong thời gian gần đây.
Giữa các vụ bê bối của Facebook về vi phạm quyền riêng tư, thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử, ngày càng nhiều người nói rằng họ đang từ bỏ Facebook và dự định dùng Instagram hay WhatsApp để liên lạc với bạn bè và gia đình.
Dù cùng một mái nhà nhưng hai ứng dụng trên có hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt công chúng so với Facebook. Nếu không còn Instagram, Facebook sẽ không thể thu được bất kì lợi ích nào từ thái độ tích cực mà ứng dụng này đã tạo dựng với người dùng.
Facebook sẽ không phải là công ty duy nhất gặp khó khăn nếu phải thoái vốn. WhatsApp đã dành 6 năm tập trung vào tăng trưởng người dùng, độ tin cậy và mã hóa mà không phải quá chú trọng đến doanh thu hay lợi nhuận. WhatsApp được tự do hoạt động là nhờ có Facebook chống lưng. Nếu không có hầu bao rủng rỉnh của Facebook, WhatsApp sẽ phải chịu áp lực kiếm tiền lớn.
Trong khi đó, Instagram phụ thuộc vào Facebook để chạy nhiều tác vụ, bao gồm công nghệ làm nền tảng cho quảng cáo và kiểm duyệt nội dung. Tách rời khỏi Facebook có thể buộc Instagram phải xây dựng nền tảng quảng cáo hoàn toàn mới và mất đi quyền truy cập vào dữ liệu quan trọng từ hồ sơ người dùng Facebook.