Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội 'chốt' thời hạn vận hành vào 2021

Sau 4 năm phải lùi tiến độ vì thiếu vốn, đoạn trên cao của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã chốt được thời gian vận hành chính thức vào tháng 4/2021.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa cho biết dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được khai thác trước 8,5 km đường trên cao vào tháng 4/2021, sau đó tiếp tục hoàn thiện 4 km ngầm để khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Tiến độ tuyến trên cao đạt 99,52%

Trong tổng số 9 gói thầu của dự án, gói thầu số 1 (đoạn trên cao) đang có tiến độ thi công nhanh nhất, đến nay đã đạt 99,52%, dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu vào tháng 12/2019.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội 'chốt' thời hạn vận hành vào 2021 - Ảnh 1.

Nhà ga đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: Việt Linh).

Tuy nhiên, để toàn bộ đoạn trên cao đi vào vận hành còn phụ thuộc vào nhiều gói thầu khác, trong đó có gói số 2 (các ga trên cao) mới đạt tiến độ 61,32% (dự kiến tháng 10/2020 hoàn thành), gói thầu depot đạt 54,64%, gói thầu đầu máy toa xe đạt 34,44%... Cá biệt có gói thầu về hệ thống thu soát vé tự động đến nay mới ở bước đánh giá tài chính.

Theo quan sát trên thực địa, các nhà ga trên cao do nhà thầu Posco đảm nhận đang được thi công lắp đặt mái che nhưng chưa thi công đến phần thang bộ, thang máy.

MRB cho biết sau khi thi công xong phần kết cấu bê tông, nhà thầu sẽ lắp đặt hệ thống thang máy và các thiết bị nội thất. Các thiết bị này đều được nhập khẩu và đã được đưa về nước để chuẩn bị lắp đặt. Khu vực depot đặt tại Nhổn cũng đang được xây lắp các nhà xưởng, trung tâm OCC, khu rửa tàu...

Ở đoạn tuyến ngầm dài 4 km, tổng tiến độ mới đạt 5,01%. Nhà thầu đã rào chắn thi công tại khu vực dốc hạ ngầm (trên đường Kim Mã), ga S9, một nửa hộp ga S10 và một nửa hộp ga S12. Ga S11 đang được hoàn thành đường tạm và làm các thủ tục chuẩn bị bàn giao cho nhà thầu trong tháng 7. Toàn bộ đoạn ngầm dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Đoàn tàu đầu tiên về nước vào tháng 7/2020

Theo kế hoạch của MRB, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ về Việt Nam vào tháng 7/2020 để đáp ứng tiến độ vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và vận hành toàn tuyến vào năm 2022.

Đoàn tàu đang được lắp ráp tại Pháp, tổng tiến độ đạt 34,44%. Dự án sẽ có 10 đoàn tàu hợp kim nhôm chế tạo theo tiêu chuẩn châu Âu. Độ rộng khoang tàu là 2,75 x 2,95 m, chiều dài khoảng 80 m đối với đoàn tàu 4 toa (trong tương lai có thể kéo dài thêm 1 toa).

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội 'chốt' thời hạn vận hành vào 2021 - Ảnh 2.

Mẫu thiết kế tàu metro số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. (Ảnh: MRB).

Quy chuẩn các tay cầm trên tàu được thiết kế riêng cho người Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, tàu sẽ có khả năng chuyên chở 850 đến 950 hành khách mỗi đoàn tàu, với mật độ 6 đến 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Khi về Việt Nam, đoàn tàu sẽ được vận hành thử nghiệm và tích hợp hệ thống đến khi đạt yêu cầu và đảm bảo chất lượng sẽ được đưa vào khai thác. Thông thường, quy trình này thường kéo dài ít nhất 6 tháng.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện MRB cho biết cơ quan này đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội soạn chương trình đào tạo nhân sự vận hành metro Nhổn - ga Hà Nội. Công ty này hiện cũng quản lý hơn 600 nhân sự của tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Hà Nội.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 ti euro (khoảng 33.000 ti đồng, theo ti giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 ti đồng) từ chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 ti đồng) lấy từ ngân sách thành phố.

Khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng đến nay dự án đã được điều chỉnh thời gian hoàn thành toàn tuyến đến năm 2022.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.