Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh minh họa. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề tuyển sinh năm nay, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng nêu ra một số trăn trở của mình về kỳ thi tuyển sinh năm 2017.
Thầy Cương thông tin, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, 100% học sinh khối 12 của trường đều đạt điểm trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15,5 điểm) tới 2 điểm, túc các em đều đạt từ 17,5 điểm trở lên. Tuy nhiên, điểm thi năm nay được đánh giá là khá cao nên việc lựa chọn vào các trường đại học cũng khiến các em rất lo.
PGS Văn Như Cương cho biết: "Việc nhiều em dù đạt điểm không hề thấp chút nào (tới 28 - 29, thậm chí 30 điểm) nhưng cũng vẫn trượt NV1 đại học là do đăng ký không đúng trường.
Nếu các em đăng ký vào những trường có điểm thấp hơn 1 chút, tức các trường tốp giữa hoặc tốp dưới thì khả năng đỗ sẽ cao hơn. Có những trường chỉ lấy điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1 - 2 điểm.
Điều này cho thấy, dù sao các trường cũng nên nghiên cứu lại cách tuyển chọn các nguyện vọng như thế nào đó để cho các em trượt oan mà có học lực tương đối tốt còn có cơ hội học tập".
Ngoài ra, thầy Văn Như Cương cũng góp ý về điểm cộng ưu tiên.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
"Tôi cảm giác rằng, Bộ áp dụng điểm ưu tiên tới 3 điểm e là hơi nhiều.
Đành rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các em học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được học tập là rất tốt. Nhưng theo tôi, trong tuyển sinh mà chỉ cần 2 em thí sinh chênh nhau 0,1 điểm thôi cũng đã là anh đỗ - tôi trượt rồi.
Về mặt quốc gia mà nói, chúng ta cần tuyển chọn những người học một cách xứng đáng để ra xã hội biết cách làm việc. Theo tôi, chúng ta chỉ nên cộng tối đa 1 điểm ưu tiên là hợp lý chứ không nên cộng quá nhiều", PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm luyện thi đại học, thầy giáo Lê Đăng Khương đến từ hệ thống giáo dục DODAIHOC.COM đã chia sẻ với chúng tôi một số ý kiến xung quanh câu chuyện này.
Theo thầy Khương, đề năm nay chưa đủ phân hóa thí sinh và công tác coi thi chưa chặt như mọi năm do thi ở trường phổ thông. Ngoài ra, chỉ tiêu không thay đổi nên các trường buộc phải làm cách tính điểm chuẩn phức tạp.
Thầy giáo Lê Đăng Khương trong một buổi giảng bài. Ảnh: NVCC. |
Thầy giáo Lê Đăng Khương cho rằng, đề thi năm nay ít câu hỏi phân loại thí sinh. Đây có thể là do năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm với môn Toán và một số môn khác nên Bộ GD&ĐT đã cho đề dễ hơn.
"Tuy nhiên, hiện tượng mưa điểm 10 có thể một nguyên nhân nữa là do công tác coi thi chưa được chặt chẽ. Ngày trước chúng ta tách ra làm hai kỳ thi khác nhau, mức độ nghiêm túc khác nhau hoàn toàn.
Thi tốt nghiệp thì ở địa phương nên không nghiêm túc bằng thi đại học ở các trường ĐH. Giờ ghép chung lại với nhau nên nó đảm bảo được yêu cầu của tốt nghiệp chứ không đảm bảo yêu cầu của thi ĐH.
Về mặt chỉ tiêu, năm nay phần lớn các trường top thay đổi chỉ tiêu không đáng kể mà thí sinh nộp vào đông, chủ yếu là nghe tên trường hót chứ ít em nghiêm túc về mục tiêu nghề nghiệp của mình. Thậm chí, nhiều em nộp cho giống bạn bè chứ không hiểu bản thân mình nên làm tốt ngành nghề nào" thầy Khương cho hay.
Cũng theo phân tích của thầy Khương, do một số trường có thể chưa làm truyền thông khiến học sinh chưa biết nên chưa đăng ký.
Bên cạnh đó, thầy giáo Lê Đăng Khương có đưa ra một số lời khuyên dành cho các em thí sinh, nhất là các em vừa rồi chưa trúng tuyển NV1 như sau:
"Các em phải căn cứ vào mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, hiểu rõ mình nên làm nghề gì và chọn đúng ngành mình thích.
Căn cứ vào điểm thi của mình và các điểm chuẩn đã có của các trường có đào tạo ngành nghề đó, thí sinh nên đăng ký vào nếu các trường còn tuyển NV2.
Nếu các em vẫn mong muốn học trường mình mong muốn mà không còn chỉ tiêu thì có thể cân nhắc việc ôn lại 1 năm nữa để năm sau thi tiếp".
Nộp hồ sơ vào HV Ngân hàng cần những giấy tờ quan trọng nào? Hôm nay (1/8), đã có rất đông thí sinh đến Học viện Ngân hàng để nộp các giấy tờ liên quan phục vụ việc nhập ... |