UBND huyện quyết định giá đất liệu có hóa giải được những vướng mắc hiện nay?

Chuyên gia cho rằng, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, cần phải quan tâm xem thực chất các dự án hiện đang ách tắc cụ thể ở khâu nào.

(Ảnh minh họa: H.Q).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 73 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, UBND huyện cũng được thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện định giá đất được coi là một trong những giải pháp gỡ vướng trong việc định giá đất hiện nay. Tuy nhiên, cần phải quan tâm xem thực chất các dự án hiện đang ách tắc cụ thể về cái gì trong việc định giá đất.

"Một dự án lẽ ra được phê duyệt chủ trương đầu tư cách đây 5 năm nhưng lại gặp vướng mắc trong nhiều Luật nên chưa được thông qua. 5 năm sau, khi dự án được thông qua thì giá đất đã tăng gấp 3 – 4 lần, lúc này liệu ai dám ký phê duyệt tính giá đất theo mức 5 năm trước. Còn nếu tính theo giá mới thì nhà đầu tư có chịu nổi không? Do đó không ai dám quyết định và ký tá vì rủi ro rơi vào vòng lao lý rất cao", chuyên gia dẫn chứng.

Do đó, ông Võ cho rằng, trước mắt Tổ công tác của Chính phủ cần phải rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó gửi Chính phủ để trình Quốc hội một Nghị quyết về tháo gỡ cho dự án, trong đó quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại. Đây là phương án rất tốt và khả thi.

"Vì một khi Quốc hội đã duyệt thì địa phương mới dám phê duyệt, nếu Quốc hội không phê duyệt thì địa phương không dám quyết. Bởi ách tắc về pháp luật là ách tắc lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt và điều này không thể trách họ. Vì đây là nguyên nhân chính gây ra việc cản trở phê duyệt dự án", vị này nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết, trong Nghị quyết 33 của Chính Phủ cũng đã có kiến nghị về việc làm Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có phần phê duyệt được dự án, từ đó mới có nguồn vốn từ việc bán nhà hình thành trong tương lai và đây là nguồn tiền cực kỳ lớn. Do đó, cần giải tỏa những xung đột về mặt pháp luật khiến người phê duyệt rơi vào rủi ro.

"Nhưng cần đặt ra câu hỏi là liệu các vướng mắc về mặt mặt pháp luật có tháo gỡ ngay được không? Bởi quá trình làm Luật của Việt Nam còn nhiều bất cập. Trước mắt rất cần có một Nghị quyết của Quốc hội kèm danh sách dự án được phê duyệt, từ đó địa phương mới dám phê duyệt dự án mà không còn lấn cấn. Nghĩa là bao giờ chúng ta chữa xong bệnh xung đột pháp luật thì khi ấy các vướng mắc của thị trường bất động sản mới được tháo gỡ", chuyên gia nói.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.