Vấn đề của phim Việt: Nửa MV ca nhạc nửa nhiếp ảnh nghệ thuật

Một trong những lí do khiến điện ảnh, hơn trăm năm trước, lan rộng trên thế giới là vì nó mang đến cho người xem những trải nghiệm phong cảnh – địa lí nhiều nơi mà họ chưa từng đặt chân đến. 

Khi cảnh quan được chọn

Chọn địa điểm quay phim dường như đã trở thành nỗi lao tâm khổ tứ của các đoàn làm phim gần đây. Địa điểm được chọn phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí nhưng cơ bản nhất thường là phải “đẹp”, “hoành tráng”, “nổi tiếng”, “lạ và độc”, không khác gì cẩm nang mở điểm tour du lịch của các hãng lữ hành nội địa.

Các địa điểm đi kèm với danh lam thắng cảnh hoặc di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, nghiễm nhiên, được coi là đắc địa. Thiên mệnh anh hùng (2012) kể chuyện hậu duệ Nguyễn Trãi trả thù cho gia tộc, tuy gay cấn và có đủ loại võ nghệ phi thân độn thổ, nhưng cảnh núi non hùng vĩ mà tĩnh lặng của Ninh Bình mới làm khán giả nhớ lâu hơn.

Tấm Cám: chuyện chưa kể (2016), hư cấu vu vơ chuyện yêu đương giữa nàng Tấm và chàng Thái tử cùng một chuỗi biến sự chinh chiến giặc giã, dàn quân đánh trận đã bớt phần sân khấu, song cũng không át nổi bóng dáng một MV ca nhạc với đầy đủ các danh thắng du lịch ở Ninh Bình.

Áo lụa Hà Đông (2005), vòng vèo khắc họa biểu tượng văn hóa và lịch sử, tham vọng kể “đại tự sự” nước mất nhà tan, nên chẳng còn cách nào là chuyển dần phong cảnh làng quê Bắc bộ chạy thẳng vào Hội An danh tiếng.

Cha cõng con (2017) chọn núi rừng Hà Giang làm phông nền cho câu chuyện về gia đình bé Cá nghèo khó, đơn độc chống lại thiên tai, bệnh tật.

Một chuyện phim lẽ ra sẽ giản dị và xúc động về tình phụ tử, khiến người xem thấy thứ tình cảm tưởng khó diễn đạt ấy thật ra rất gần gũi, tự nhiên như khí trời, cây cỏ, đã bị lệch tâm sang lối làm phim “có cảnh quay đẹp” và vì thế, lòng trắc ẩn trước tình cảnh bé Cá không thắng nổi tiếng xuýt xoa trước cảnh đẹp thiên nhiên.

Giải thích lí do chọn Ninh Bình làm địa điểm quay phim Tấm Cám: chuyện chưa kể, đạo diễn Ngô Thanh Vân tỏ ý rằng muốn cho con em, những người ở xa, ở gần thấy “Việt Nam đẹp như thế nào”. Lời bộc bạch có phần tự tin này cho thấy những nghịch lí và khôi hài trong tư duy làm phim của không chỉ Ngô Thanh Vân.

van de cua phim viet nua mv ca nhac nua nhiep anh nghe thuat
Một số cảnh trong phim Cha cõng con và Cánh đồng bất tận.

“Đẹp như thế nào” trở thành mục đích quan trọng của bộ phim thay vì là một chuyện phim sâu sắc, đa tầng ý nghĩa hoặc một phong cách nghệ thuật độc đáo. Trong mánh lưới truyền thông về các phim trên, người viết cũng thường nhấn mạnh đến “đẹp mê hồn”, “cảnh sắc tuyệt đẹp”, “tiên cảnh”, mà không cần biết, bối cảnh đó có phù hợp hay vênh lệch với chuyện phim.

Bởi các nhà làm phim biết chắc, sau “cảnh nóng” và dàn diễn viên “chân dài”, phong cảnh đẹp sẽ làm đa số khán giả ưa giải trí có thể hoan hỉ ra về.

Nhưng, chẳng hạn, cảnh nàng Tấm cầm giỏ cá đi giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngàn hao hao đi sàn catwalk với trang phục áo tứ thân khăn mỏ quạ truyền thống thì vẫn cứ là minh chứng rõ nhất cho kiểu thẩm mĩ hàng xén vụn vặt, bon-sai trau chuốt nhạt nhẽo, vô vị.

Bảo rằng sau khi xem một bộ phim quay phong cảnh đẹp, khán giả sẽ nảy nở thêm lòng yêu, tự hào về non sông gấm vóc của Tổ quốc thì e là hơi chủ quan. Tôi tin bất cứ một khán giả có chút hiểu biết điện ảnh nào cũng đều thấy, về cơ bản, những phim có phong cảnh đẹp là cách “ăn ké” địa lí, thiên nhiên vốn không còn hào phóng như xưa.

Và nếu chỉ cần cảnh đẹp không thôi, khán giả thực sự sẽ ở nhà bật các MV ca nhạc, VideoArt hay chương trình khám phá du lịch, hoặc cùng lắm là kênh truyền hình National Georaphic nổi tiếng để xem. Trải nghiệm địa lí, vào thời điểm hiện nay, tuy vẫn là nhu cầu đau đáu, song không bao giờ chỉ dừng lại ở “đẹp”.

Nhãn quan sinh thái bây giờ còn đính kèm với những nỗi âu lo, những chất vấn và dự báo để từ đó, can dự trực tiếp vào đời sống nhân sinh.

Khi cố tình đẩy bộ phim sa vào các cảnh sắc đẹp, ngay cả với một số phim được coi là có giá trị nhân văn như Cánh đồng bất tận (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cha cõng con, các đạo diễn Việt đang tạo ra diễn ngôn có trọng âm thuần nhất về một loại giá trị đẹp, thơ mộng, hùng vĩ, bình yên…

Thực sự, đó là cái đuôi kéo dài của chủ nghĩa lãng mạn già nua, trong tâm thế bắt thiên nhiên phục vụ, đáp ứng cái nhìn của con người. Bởi thế, tôi e là, sau mỗi bộ phim như thế, địa điểm được nhắc đến sẽ mất dần cảnh sắc vốn có. Yêu và tự hào về địa lí, cảnh quan không phải là bài học nhét túi cho khách du lịch một sớm một chiều được.

Tạo nghĩa mới cho cảnh sắc

Năm ngoái, khán giả Việt một phen cuống cuồng săn vé xem phim Kong: Đảo đầu lâu (2017) của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Ngoài thương hiệu bom tấn Hollywood, khán giả xem phim còn vì có toán diễn viên nghiệp dư người Việt đảm vai quần chúng, và đặc biệt, có nhiều cảnh đẹp Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình được chọn quay.

Nếu không bị hút theo chuyện con Kong một mình chống lại thế giới bạo tàn, huyễn tưởng và pha chút kịch tính, lâm li đúng thể loại hành động-phiêu lưu, thì cảnh sắc thiên nhiên trong bộ phim thực sự đem lại điều gì ngoài cảm giác rằng đó là xứ sở nhiệt đới đầy rẫy rắn rết, muỗi, côn trùng, sông ngòi chằng chịt, và luôn có những con vật hoang dã chưa kịp biết tên?

Con khỉ khổng lồ được xây dựng theo chuẩn chủ nghĩa anh hùng Hollywood đã tha hồ gầm thét, phẫn nộ và yêu thương giữa nguyên sơ xứ lạ.

Đó là một cái nhìn rất “thực dân”, bắt nguồn từ thế kỉ XIX, trong thời đại khám phá, khi yếu tố dị lãm (exotic) là lí do chính khiến các nhà chinh phục lên đường và rất nhiều mô tả cảnh quan địa lí của họ, vô tình hay hữu ý, biến các xứ và kẻ khác trở nên hoang dã, man khai.

Cách tạo nghĩa cho cảnh quan quá cường điệu ấy, ngạc nhiên thay, được nhiều tờ báo coi là quảng cáo không công cho du lịch Việt Nam!

Địa dư Việt cố nhiên có vẻ đẹp riêng và không phải lúc nào, hễ cứ thu vào khung hình, là mang lại giá trị nghệ thuật. Nếu cảnh đẹp thiên nhiên là có sẵn, hiện diện như một nhân vật đặc biệt thì khung hình đẹp phải nhờ đến tài quay phim, tính toán của đạo diễn và cả phần kĩ thuật xử lí hậu kì phức tạp. Khi vừa có cảnh thiên nhiên, vừa có khung hình đẹp một cách hợp lí, bộ phim sẽ khơi mở cảm xúc khán giả đến cùng.

Thông thường, một bộ phim (mà điện ảnh Iran với nhiều tuyệt phẩm kinh điển là ví dụ) thành công nhờ vào nghệ thuật quay, chứ không nhất thiết phải dựa dẫm vào bối cảnh đẹp đến mức là tuyệt tác của tạo hóa.

Nhiều cảnh phim chỉ nhăm nhăm thu bằng được không gian địa lí mà quên mất, với góc quay đó, với màu sắc và ánh sáng đó, chúng đem lại những lớp nghĩa, biểu đạt gì cho bộ phim?

Chưa kể, quá nhiều cảnh đẹp trong phim sẽ khiến người xem quên bẵng câu chuyện, hoặc bi hài hơn, rơi vào trạng thái “sống ảo” bất chấp cảnh sống trên phim lẫn ngoài đời bất thường ra sao.

Đã khá lâu rồi, điện ảnh Việt ít chạm đến những cảnh đời lầm lũi, nhọc nhằn, những không gian sống sần sùi, xám xịt. Thiếu hẳn những thước phim có tính chất “tả thực” cao độ, chúng ta chỉ nhìn thấy màu hồng, chỉ bắt gặp kiểu duy mĩ nửa vời về những điều tốt đẹp, sạch sẽ, tươi sáng.

Trong Cánh đồng bất tận, trường đoạn nhân vật Sương rời bỏ gia đình Út Võ, với cú máy toàn cảnh trên cao, đã thu trọn nhân vật này áo trắng, nón trắng, túi cói túi xách tay, nhỏ bé đi giữa cánh đồng cói xanh mướt ngút ngàn.

Đau khổ, bi kịch nhưng không nằm ngoài chuẩn “đẹp đến nao lòng” và khiến khán giả phần nào liên tưởng đến cảnh phim The wind will carry us (1999) của bậc thầy A. Kiarostami.

Trong Cha cõng con, những cú máy toàn cảnh con sông mùa lũ, những góc cận cảnh hoa sim tím trên đồi, bờ lau trắng phơ phất; những trường đoạn dùng flycam để thu hình cha con bé Cá từ trên cao..., theo tôi, chỉ càng gia tăng sự ước lệ, mĩ hóa đời sống vùng cao vốn dĩ biệt lập, khốn khó. Tất nhiên, tôi không nghĩ cứ hễ nghèo, lam lũ, lép vế là phải nhếch nhác, “xấu”.

Nhưng chắc chắn, ngay cả trong đôi mắt trong veo của những đứa trẻ như Cá, cái gọi là “cảnh sắc mê hồn” kia hoàn toàn nhàm chán, đơn điệu. Có thể thiên nhiên đẹp là viên thuốc liều cao để xoa dịu những nhọc nhằn, bất công trên mặt đất. Nhưng nếu mãi tìm điểm quay đẹp, cảnh thiên nhiên lí tưởng, bộ phim sẽ thuần túy là kĩ thuật mà thôi.

Thực ra, hiện tượng sính cảnh đẹp trong điện ảnh Việt không chỉ làm các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên các smartphone cảm thấy bị tủi thân. Vấn đề quan trọng còn ở chỗ, hầu hết các phim trên đều không có một kịch bản đủ hay, sâu sắc; không có cách kể chuyện sao cho mạch lạc, hấp dẫn.

Còn với đà chạy theo cảnh đẹp khó cưỡng như hiện nay, điện ảnh Việt đang làm cho khán giả mất dần thói quen lưu giữ bưu thiếp, những bức ảnh photoshop vì dù sao, cũng không sinh động bằng!

XEM THÊM

van de cua phim viet nua mv ca nhac nua nhiep anh nghe thuat Giờ vàng phim Việt trên VTV được khai thác như thế nào?

Có hai khung giờ vàng cho phim Việt trên sóng VTV là 20h45-21h45 trên VTV1 và 21h45-22h45 trên VTV3. Nhiều ý kiến cho rằng "Quỳnh ...

van de cua phim viet nua mv ca nhac nua nhiep anh nghe thuat Phim cổ trang Việt: Thử thách với nhà làm phim

Trong xu hướng bùng nổ các thể loại tình cảm, hài, tâm lý xã hội, thanh xuân... các phim cổ trang được xem là thử ...

van de cua phim viet nua mv ca nhac nua nhiep anh nghe thuat Lỗi muôn thuở trong phim Việt giờ vàng

Nhiều năm trôi qua, phim truyền hình Việt trên sóng giờ vàng vẫn “giết chết” cảm xúc người xem bởi lối dàn dựng đậm tính ...

van de cua phim viet nua mv ca nhac nua nhiep anh nghe thuat Đạo diễn 'Lộ mặt' phản hồi chuyện Minh Luân 'lót tay' 1,5 tỉ đồng

Vừa góp vốn, vừa đóng vai nam chính nên có tin đồn cho rằng Minh Luân bỏ gần 1,5 tỉ đồng 'lót tay' cho đạo ...

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.