Hôm qua, vàng lập đỉnh giá 7 năm sau căng thẳng Mỹ - Iran. Hưởng ứng theo, giá dầu cũng leo dốc. Thị trường chứng khoán từ Á đến Âu cũng đỏ rực một màu.
Tuy nhiên, chứng khoán Phố Wall bắt đầu khởi sắc ngay hôm qua. Mở cửa, chỉ số Dow tăng 0,24%, trong khi chỉ số S & P 500 tăng 0,35% và Nasdaq tăng đến 0,56%. Sự phấn khởi lan đến châu Á. Chỉ MSCI châu Á -Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng thêm 0,6%, khoản này đủ để bù gần như tất cả lỗ của ngày hôm qua.
Nikkei của Nhật Bản tăng 1,3%, và sàn Thượng Hải cũng ghi nhận mức tăng 0,5%.
Mặc dù eo biển Hormuz vẫn nóng, nhưng giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 54 cent xuống còn 68,37 USD/thùng. Hôm nay, giá dầu thô Mỹ giảm 44 cent xuống còn 62,83 USD/thùng.
Tương tự, vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.562,81 USD/ounce trong phiên sáng nay. Vàng tương lai của Mỹ giảm 0,2% xuống còn 1.566 USD/ounce. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch bằng vàng lớn nhất thế giới, cho biết tỉ lệ nắm giữ của họ đã tăng 0,1% lên 896,18 tấn vào hôm qua.
Phản ứng với tình hình trên, sáng nay, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại khu vực TP HCM ở mức 43,5 và 49,95 triệu đồng/lượng, lần lượt cho chiều mua vào và bán ra. So với chiều qua, giá vàng trong nước đã bốc hơi nửa triệu đồng mỗi lượng.
Thị trường "tươi xanh" chỉ sau một đêm nhờ tâm lí các nhà đầu tư ổn định. Phần nhiều là do phía Mỹ cho biết không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq, sau tin đồn lan rộng rằng chính quyền Trump rút chân khỏi Trung Đông.
Tờ New York Times bình luận rằng: "Khả năng phục hồi của thị trường Mỹ phản ánh một phần, sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Và do đó, phần nào Mỹ là người hưởng lợi từ việc giá dầu tăng".
"Ngày nay, Trung Đông quan trọng với Mỹ ít hơn so với 10 năm trước", ông Robert Robert Bilkie, CEO của Sigma Investment Counsors, khẳng định với New York Times.
Nhà đầu tư giờ đây bớt quan tâm đến các diễn biến địa chính trị bên ngoài. Thay vào đó, họ chỉ ngóng chờ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục thực hiện các bước để thúc đẩy nền kinh tế, và đệm đà cho thị trường tài chính.
Fed đã cắt giảm lãi suất 3 lần, giúp thúc đẩy thị trường tăng trưởng ổn định trong một năm nhiều biến động như 2019. Bằng chứng là chỉ số S & P 500 đã tăng 28,9% trong năm ngoái.
"Giờ đây, người ta cứ mua cổ phiếu, miễn là Fed còn ở đó và không tăng lãi suất", ông Ricardo Cortez, CEO Broadmark Asset Management, nhận định.
Các nhà quan sát cho rằng nhà đầu tư ngày càng tin tưởng các chính sách lãi suất thấp của Fed sẽ giúp nâng đỡ thị trường khỏi bất kì cơn bão nào, như họ đã làm trong năm ngoái, khi đối mặt với cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.
"Cả Cục Dự trữ Liên bang và chính quyền dường như nhạy cảm hơn với thị trường chứng khoán so với những thập niên trước, và dường như sẵn sàng hành động để hỗ trợ thị trường nếu nó chùn bước", ông David David Kelly, chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, nói với New York Times.
Tuy nhiên, rủi ro trên thị trường vẫn còn đầy rẫy. "Các cổ phiếu đã bật trở lại từ đợt bán tháo vào cuối tuần, nhưng đó không phải là thời cơ thích hợp để các nhà đầu tư quay trở lại thị trường một cách đầy đủ", chuyên gia Jim Cramer của CNBC nhận định.
Cùng ý kiến, chuyên gia Mad Money nhận định: "Sự phục hồi của thị trường ngày hôm nay có thể không tốt lành như vẻ ngoài của nó".
Hai chuyên gia phân tích, hiện chính quyền Iran hứa sẽ trả đũa vì tướng Qasem Soleimani. Phía Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả bằng nhiều bạo lực hơn. Trong khi đó, Quốc hội Iraq đã kêu gọi chính phủ đẩy quân đội Hoa Kỳ ra khỏi đất nước, và Tổng thống Trump đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nếu quân đội Mỹ bị trục xuất một cách "không thân thiện".
Tuy vậy, Iran vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ bỏ qua việc làm giàu uranium đã được nêu trong thỏa thuận hạt nhân 2015 đa phương. Ngoài tuyên bố bằng miệng, đến nay chính quyền Tehran vẫn chưa hành động cụ thể.
Phía Mỹ cũng chưa có hành động bạo lực nào, sau hàng loạt bài khẩu chiến của ông Trump trên Twitter.
Trước tình hình lững lờ này, chuyên gia Jim Cramer chia sẻ: "Tôi vẫn khuyên bạn nên thận trọng khi đầu tư, ít nhất là cho đến khi chúng ta hiểu rõ hơn về động thái tiếp theo của Iran".
Ngay lúc này, thị trường đang có xu hướng đổ xô mua cổ phiếu của các công ty công nghệ. Vì theo thông lệ, chiến tranh khó ảnh hưởng đến các công ty này.
Tuy nhiên, George Kurtz, CEO của công ty an ninh mạng Crowdstrike, nhận định: "Cuộc tấn công mạng từ các quốc gia khác rất phổ biến, và có lí do để tin rằng Iran sẽ nhắm vào an ninh mạng của Mỹ, để đáp trả".