Đến hôm qua, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, vượt qua ngưỡng 46 triệu đồng/lượng và nhiều dự báo mạnh dạn đưa giá vàng lên tới 1.800 USD/ounce, tương đương khoảng 50 triệu đồng/lượng.
Sự bứt phá liên tục của vàng đã khiến không ít người đảo lộn tình thế, từ lỗ chuyển thành lời trong một thời gian ngắn. Những người mua vàng ngày Thần Tài (mùng 10 Tết, tức ngày 3/2) cách đây đúng 20 ngày đang trong tâm trạng “tiền rớt trúng đầu”.
Bà Quỳnh Loan (Quận 3, TP HCM) kể đã bỏ ra hơn 134 triệu đồng để mua 3 lượng vàng miếng SJC với giá 44,7 triệu đồng/lượng ngày Thần Tài. Vừa mua xong, giá vàng lao dốc giảm mạnh khiến bà lỗ hơn 3 triệu đồng chỉ trong 1 ngày. Nhưng hiện nay số lỗ trên đã chuyển thành lời khi vàng tăng giá mạnh trở lại.
Giá vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cuối tuần qua ở mức 45,6 triệu đồng/lượng, bán ra 46,05 - 46,07 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 1 tuần, mỗi lượng vàng đã cộng thêm 1,65 triệu đồng. Nếu tính từ đầu năm, mức tăng lên 3,3 triệu đồng, tương ứng 7,7%. Như vậy, những người mua vàng từ đầu năm đã ẵm một khoản lớn, trong 2 tháng tỉ lệ lợi nhuận mang về bằng gửi tiết kiệm ngân hàng cả năm.
Nhưng không phải ai thấy giá vàng lên cũng vui, đặc biệt những người “lướt sóng” bằng vàng đi vay.
Ông Anh Dũng (Quận 7, TP HCM) kể, đầu tháng 2 khi vàng mức giá 44,5 - 44,7 triệu đồng/lượng, ông đã vay để bán ra. 2 tuần sau đó, giá “tụt” xuống dưới mức 44 triệu đồng/lượng, ông Dũng vẫn chờ giảm thêm mới chốt mua để trả nợ, bỏ túi khoản chênh lệch. Thế nhưng không ngờ sau đó vàng tăng liên tục phá mức 45 triệu đồng rồi đến 46 triệu đồng mỗi lượng.
Nếu chốt trạng thái, mua vàng vào thời điểm này, số lỗ mà ông Dũng phải chịu lên đến 1,75 triệu đồng/lượng. “Đánh vàng may rủi mong manh, lời lỗ trong chớp mắt”, ông Dũng chép miệng.
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng giá vàng tăng khá mạnh nhưng không phải ai cũng có thể kiếm lời trọn vẹn trên thị trường này. Thấy vàng lên, nhiều người tiếc hùi hụi, nhưng lời được không bao nhiêu nếu cứ nhảy ra nhảy vào.
“Nếu vào năm 2018, một người mua một lượng vàng miếng SJC thì đến nay lời được 10 triệu đồng, tương đương 30% trong 2 năm, như vậy mỗi năm lời 15%. Nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng thì cao hơn nhưng không thể làm giàu được từ đầu tư vàng, bởi lượng vàng nắm giữ nhỏ. Hơn nữa, mua vàng cất trữ không phải là một kênh đầu tư, nó như “tiền chết” và chỉ là nơi trú ẩn an toàn”, ông Dũng Khánh phân tích.
Một lí do nữa khiến giá vàng dù tăng mạnh nhưng cũng hết sức rủi ro, theo ông Dũng Khánh, là từ đầu năm đến nay giá vàng và USD luôn tăng - giảm cùng chiều. Đây là điều chưa từng xảy ra trong khoảng thời gian liên tục dài trước đây.
Thông thường, giá vàng và USD luôn ngược chiều, vàng tăng thì USD giảm và ngược lại. Nên dân “đánh” vàng thường phân tích giá USD để đưa ra dự báo về xu hướng giá vàng. Tuy nhiên vừa qua, giá USD tăng kỉ lục, chỉ số USD-Index tăng lên gần mức 100 điểm. Lo vàng giảm giá, nhiều người thực hiện bán ra nhưng không ngờ vàng tăng giá mạnh, thế là phải “gồng” lệnh hoặc cắt lỗ.
Trong tuần qua, giá vàng miếng SJC tăng 1,65 triệu đồng/lượng, tương ứng 3,7%, giá mua và bán lên 45,6 - 46,05 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng hơn 62 USD/ounce, tương ứng 3,9%, lên 1.644 USD/ounce, có lúc lên 1.650 USD/ounce.
Với mức tăng khá nhanh của vàng, ông Phan Dũng Khánh đã thay đổi mức dự báo so với trước đó, và cho rằng vàng có khả năng đạt được mức 1.700 USD/ounce (tương ứng 47,7 triệu đồng/lượng - PV) sớm hơn trong quý I. Từ năm 2019 đến nay, nhiều nước đẩy mạnh các gói hỗ trợ kinh tế, cắt giảm lãi suất... đã “đẩy” vàng tăng giá.
Nay thông tin dịch bệnh Covid-19 lây lan và chưa thể kiểm soát được “bồi” thêm cho giá vàng tăng nhanh hơn dự kiến.
Mới có tháng 2 đầu năm mà mức 1.700 USD/ounce, dự báo đang đứng trước đe dọa bị phá vỡ. “Khả năng vàng vượt đỉnh kỉ lục xác lập vào năm 2011 ở 1.925 USD/ounce rất có thể xảy ra trong năm 2020, thậm chí vượt lên 2.000 USD/ounce (tương ứng 56 triệu đồng/lượng - PV). Vàng miếng SJC có thể sẽ phá vỡ mức kỉ lục đã xác lập vào năm 2011 ở 49 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nói.
Cố vấn Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), ông Nguyễn Trí Hiếu nói ngắn gọn: “Vàng lên và sẽ còn tiếp tục lên”. Nhiều chuyên gia thế giới đưa ra mức dự báo vàng sẽ đạt 1.800 USD/ounce, nhưng ông Hiếu vẫn khá thận trọng, cho rằng trước mắt vàng phải phá vỡ ngưỡng 1.700 USD/ounce.
Trong tháng 3, nếu dịch covid-19 được kiểm soát, số người chết và bị lây nhiễm được khống chế thì khả năng vàng sẽ ổn định trên vùng 1.600 USD/ounce. Theo ông Hiếu, giá vàng liên tục biến động và có thể kiếm lời được từ sự tăng giảm giá của vàng, nhưng mọi người nên bình tĩnh. Mua vàng với mức giá trên 46 triệu đồng/lượng khá rủi ro, bởi giá vàng tăng nhanh cũng có thể giảm nhanh.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, đà tăng giá của vàng bắt đầu từ năm 2019 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ, nay dịch bệnh lây lan đã kích thích vàng tăng mạnh hơn. Vàng thế giới tăng thì trong nước theo đà đẩy lên, chứ thực tế nhu cầu giao dịch vàng trên thị trường không nhiều. |
Kinh doanh 07:06 | 30/08/2024
Kinh doanh 07:26 | 29/08/2024
Kinh doanh 07:17 | 28/08/2024
Kinh doanh 07:25 | 27/08/2024
Kinh doanh 07:11 | 26/08/2024
Kinh doanh 09:07 | 25/08/2024
Kinh doanh 08:28 | 24/08/2024
Kinh doanh 07:46 | 23/08/2024