TP Hà Nội cũng đang vay lại vốn ODA để làm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ)
Thông tin được UBND TP Hà Nội đưa ra trong tờ trình vừa gửi tới HĐND TP về việc đưa dự án xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương.
Theo quy định của Luật quản lí nợ công, HĐND TP Hà Nội sẽ quyết định dự án thuộc danh mục đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương.
TP Hà Nội cho biết trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA và ưu đãi của JICA để thực hiện dự án là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian hoàn trả 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi vay từ 0,1-0,2%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương khoảng 7-7%/năm.
Tổng vốn đầu tư cho dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo khoảng 35.600 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 2021-2025.
Theo tính toán của TP Hà Nội, nợ vay của thành phố năm 2018 khoảng 11.800 tỉ đồng, năm 2019 tăng lên 10.700 tỉ đồng, năm 2020 khoảng 11.700 tỉ đồng.
Năm 2020, dự kiến TP Hà Nội ký với Bộ Tài chính hợp đồng vay lại vốn ODA cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khoảng 2.300 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục ký hợp đồng vay lại vốn từ Bộ Tài chính để giải ngân cho các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai khoảng 38.000 tỉ đồng.
Nếu tính phần vốn vay tăng thêm thực hiện dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo khoảng 14.000 tỉ đồng thì mức vay nợ của TP Hà Nội năm 2021 khoảng 66.200 tỉ đồng, vẫn thấp hơn hạn mức vay nợ tối đa khoảng 73.200 tỉ đồng.