Vết trượt của một giảng viên đại học

Từng đứng trên bục giảng với cương vị người thầy nhưng ra toà Huyền là bị cáo trong vụ án và “đau” hơn khi bị hại không ai khác chính là những sinh viên mà ông từng giảng dạy.

Phiên toà xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra vào sáng 16/3 khác lạ so với những vụ án khác. Đứng trước bục khai báo là Nguyễn Văn Huyền (41 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) từng là giảng viên đại học.

Trong số 40 sinh viên được xác định là bị hại của vụ án, những người từng là học trò của bị cáo Huyền chỉ có 4 sinh viên đến tham dự phiên toà. Những người liên quan cũng như nhân chứng có mặt ở phiên toà cũng từng là đồng nghiệp của bị cáo Huyền.

Giáp mặt với những người từng là đồng nghiệp, học trò của mình, Huyền gượng gạo, luôn cúi mặt tránh ánh nhìn của người đối diện.

Theo cáo trạng, từ phản ánh của nhiều sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, từ tháng 11/2011 đến tháng 1/2012, Nguyễn Văn Huyền (giảng viên môn tiếng Anh) đã tổ chức dạy học, thu tiền và thi trả nợ môn tiếng Anh cho 6 lớp do Huyền trực tiếp giảng dạy. Tổng cộng có 118 sinh viên đã nộp cho Huyền 214 triệu đồng.

vet truot cua mot giang vien dai hoc
Bị cáo Huyền tại phiên xử.

Do các sinh viên không đóng tiền cho trường và trường không tổ chức học, thi lại nên tất cả sinh viên này không được công nhận kết quả thi lại, không được nhận bảng điểm môn tiếng Anh. Sinh viên các lớp viết đơn tố cáo tập thể lên Ban giám hiệu nhà trường.

Sau khi tiến hành làm rõ vụ việc, ngày 8/3/2013, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp và kết luận giảng viên Nguyễn Văn Huyền đã tổ chức học trả nợ, thi, làm bảng điểm, công bố điểm và thu tiền của sinh viên trái phép, không thông qua đơn vị chủ quản là Khoa quốc tế của trường.

Ngày 14/5/2014, trường đã ra quyết định buộc thôi việc đối với Huyền, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc qua Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP.HCM để điều tra, xử lý.

Quá trình điều tra, chỉ đủ cơ sở xác định Huyền có hành vi chiếm đoạt của 40 sinh viên với số tiền 116 triệu đồng. Huyền đã nộp lại toàn bộ số tiền đã thu của các sinh viên cho cơ quan điều tra.

Tại toà, Huyền khai nhận cuối năm 2011, một số sinh viên thuộc lớp do Huyền giảng dạy thi trượt môn tiếng Anh muốn học trả nợ. Thấy nhiều sinh viên hỏi về lớp học, thi lại và biết được trường chưa mở lớp dạy nên Huyền nảy sinh ý định tự tổ chức cho sinh viên học, thi lại và thu tiền.

Lợi dụng là giảng viên của trường được nhiều sinh viên tin tưởng nên Huyền thông báo miệng hoặc qua email thời gian, địa điểm học và yêu cầu sinh viên đóng tiền trực tiếp cho Huyền, Huyền sẽ nộp lại cho Phòng tài chính kế toán của trường.

Cụ thể, Huyền thu 100 USD môn nghe nói đọc viết phần 1,2 và 50 USD môn nghe nói đọc viết phần 3,4. Trong thời gian khoảng 6 tuần (từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012), Huyền đã tổ chức và trực tiếp dạy cho sinh viên các lớp bị thi lại.

Có mặt tại toà với tư cách là người liên quan, đại diện trường Đại học Công nghiệp cho biết theo quy định chung của trường, các sinh viên của trường khi thi trượt trường sẽ thông báo mở lớp học, thi trả nợ, sau đó sinh viên đăng ký học theo mẫu và nộp tiền cho Phòng tài chính kế toán chứ giáo viên không có trách nhiệm thu tiền.

Sau khi học xong, giáo viên ra đề thi trình Tổ trưởng bộ môn duyệt rồi cho sinh viên thi, chấm điểm, lập bảng điểm gửi giáo vụ khoa quốc tế. Trường lưu giữ và công nhận kết quả học tập của sinh viên trong phần mềm quản lý học vụ.

Về vụ việc xảy ra, đến giữa tháng 1/2012, Huyền gửi email đính kèm bảng điểm cho Phòng giáo vụ Khoa quốc tế với nội dung đã kiểm tra biên lai đóng tiền của sinh viên và đề nghị nhập điểm cho sinh viên. Qua kiểm tra, Phòng giáo vụ phát hiện thời gian trên, trường không tổ chức học và thi lại môn tiếng Anh nên báo lại cho trường biết.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, vì sao việc bị cáo Huyền tổ chức giảng dạy cho sinh viên ngay tại trường nhưng nhà trường không hề hay biết, đại diện trường thừa nhận có sai sót. Vì vậy, sau khi phát hiện sự việc, nhà trường đã tổ chức thi lại miễn phí cho các sinh viên nói trên và hiện các sinh viên này đã tốt nghiệp.

Bốn bị hại trong vụ án, từng là học trò của Huyền tại toà không yêu cầu gì vì sự việc xảy ra đã lâu, họ cũng đã ra trường. Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy nên đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo với mức án từ 18-24 tháng tù.

Được nói lời sau cùng trước khi toà nghị án, bị cáo Huyền nói: "Bị cáo đã hoàn toàn sai. Đứng trước toà hôm nay, bị cáo nợ trường và nợ các sinh viên một lời xin lỗi chân thành. Thật sự bị cáo rất yêu nghề, yêu trường, năm 2010, bị cáo thi đậu công chức hải quan nhưng vì yêu nghề nên vẫn chọn nghề dạy học. Vì áp lực cần tiền, trong một phút lạc lối, bị cáo đã đánh mất tất cả... Xin HĐXX xem xét cho bị cáo".

Những lời nói của bị cáo khiến ai cũng phải chạnh lòng. Nhận định vụ án cần có nhiều thời gian để đưa ra phán quyết phù hợp, HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào ngày 22/3.

vet truot cua mot giang vien dai hoc Sếp PVN khai không biết luật khi ký chi hàng trăm tỷ vào Oceanbank

Sáng nay, bốn trong bảy bị cáo đều khai không biết đã phạm luật khi ký Nghị quyết cho phép Tập đoàn dầu khí góp ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.