Ví điện tử rầm rộ vào siêu thị, cây xăng nhưng... chưa dám ra chợ

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai rầm rộ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cây xăng… Thế nhưng, tại các chợ truyền thống hay cửa hàng nhỏ lẻ thì các ví điện tử đều hạn chế nhảy vào, vì rủi ro cao.
Ví điện tử rầm rộ vào siêu thị, cây xăng nhưng... chưa dám ra chợ - Ảnh 1.

Các siêu thị luôn khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Đại Việt).

Trong sự kiện “Đẩy mạnh số hóa kênh mua sắm hiện đại”, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp cho rằng việc không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày đang giúp hàng chục triệu người Việt đỡ tốn thời gian hơn, an toàn hơn. Đặc biệt là những giao dịch thường xuyên như đi siêu thị, đổ xăng, gửi xe…

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Saigon Co.op đang chiếm tỉ lệ khá thấp trong tổng doanh thu, bởi người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt.

“Chúng tôi có hơn 800 siêu thị trải dài trên khắp đất nước, với hơn 1 triệu lượt mua sắm mỗi ngày thì áp lực về việc kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn ngày càng có nhiều người tiêu dùng thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt bởi sự tiện dụng của cách thanh toán này”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, để khuyến khích người tiêu dùng không dùng tiền mặt thì siêu thị này đang phối hợp cùng ví điện tử MoMo áp dụng các chương trình hoàn tiền, lì xì Tết, tặng điểm thưởng... khi người dân thanh toán bằng ví điện tử. Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thanh toán điện tử không phải là các doanh nghiệp, mà chính là khách hàng.

Ví điện tử rầm rộ vào siêu thị, cây xăng nhưng... chưa dám ra chợ - Ảnh 2.

Việc thanh toán bằng ví điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến và đi vào đời sống. (Ảnh: Đại Việt).

Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc ví MoMo, chia sẻ trong 1 năm qua, sản  lượng người dùng và tần suất người dùng ví điện tử này đã tăng gấp 6 lần, đạt mức 15 triệu khách hàng.

Bình quân, mỗi khách hàng giao dịch bằng ví từ 20 – 30 lần/tháng. Điều này cho thấy “bức tranh” thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể.

Lượng giao dịch thông qua ví MoMo để thanh toán tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op trong năm 2019 là khoảng 1.000 tỉ đồng, và dự kiến có thể tăng đến 3 – 4 lần trong thời gian tới.

PV Dân trí cũng đặt câu hỏi cho ông Phạm Thành Đức: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cây xăng… đang triển khai rầm rộ. Thế nhưng, tại các chợ truyền thống hay các cửa hàng nhỏ lẻ thì có vẻ như các ví điện tử đều không mặn mà, vì sao?

Ông Phạm Thành Đức cho rằng chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ là “căn cứ điểm” cuối cùng để các doanh nghiệp "xông vào".

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì việc tiếp cận những khách hàng này chưa phù hợp, bởi khả năng rủi ro cho các ví cao. Chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ sẽ là nơi “về đích” của các ví điện tử chiến thắng trong cuộc đua thị phần.

Hiện nay, các ví điện tử đang tập trung vào những đối tác lớn có lượng khách hàng giao dịch cao hàng ngày, hàng tuần.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cái “bắt tay” của các doanh nghiệp Việt trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là một tín hiệu đáng mừng và khởi sắc.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ cuộc chơi trên “sân nhà” và tập trung phục vụ tốt cho người Việt. Bởi, thị trường hơn 96 triệu dân với tốc độ phát triển cao, ổn định là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác.

Theo nghiên cứu của hãng McKinsey&Company thì ngành bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và ngày càng cân bằng với tốc độ hiện đại hóa.

Hiện nay, doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 108 tỉ USD. Dự báo tăng trưởng lũy kế hàng năm khoảng 7,3% trong 5 năm tới. Đây là lý do khiến hàng loạt doanh nghiệp trong nước và quốc tế hành động quyết liệt để gia tăng tầm ảnh hưởng trên thị trường.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.