10 chính trị gia chuyển giới tiên phong trên thế giới | |
8 chính trị gia đồng tính có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới |
Các nhà lãnh đạo là người LGBT xuất hiện trên chính trường hiện nay khá nhiều, tiếng nói của họ là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng LGBT thế giới. Nhưng ít ai biết được rằng trong lịch sử thế giới, ngay từ những năm trước Công nguyên, đã có không ít câu chuyện về người LGBT trong cương vị người lãnh đạo được lưu truyền đến tận ngày nay.
1. Pepi II, Ai Cập (2278-2184 TCN)
Tượng vua Pepi II của Ai Cập (Ảnh: Advocate). |
Nhiều nhà sử học tin rằng Pepi II, vị pharaoh thứ năm trị vì Vương triều thứ sáu của Ai Cập cổ đại, từng có mối tình đồng tính với một vị tướng của mình là Sasenet. Họ rất khăng khít, gắn bó với nhau. Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho rằng câu chuyện giữa ngài và tướng Sasenet chỉ là chuyện được thêu dệt nên mà thôi.
2. Akhenaten, Ai Cập (khoảng giữa những năm 1300 TCN)
Tượng vua Akhenaten của Ai Cập (Ảnh: Advocate). |
Được biết đến như một kẻ nổi loạn, một vị pharaoh độc tài và là người sáng tạo ra một trong những tôn giáo đơn thần sớm nhất và gây tranh cãi của thế giới, Akhenaten được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “cái tôi” đầu tiên của lịch sử.
Năm 2008, tiến sĩ Irwin Braverman, một nhà vật lý của Đại học Yale (Mỹ) đã kết luận rằng Akhenaten không phải nam giới thực thụ sau khi phân tích các bức tượng và tác phẩm điêu khắc của Akhenaten tại một buổi hội thảo. Theo iến sĩ Braverman, Akhenaten có ngoại hình ái nam ái nữ, và ông tin rằng hình dáng phụ nữ của vị pharaoh này là kết quả của đột biến gene, khiến cơ thể Akhenaten sản sinh nhiều hoóc môn nữ hơn bình thường.
3. Alexander đại đế, Macedonia (356-323 TCN)
Tranh vẽ Alexander đại đế (Ảnh: Advocate). |
Alexander III , còn được gọi là Alexander đại đế, là vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia. Trong suốt triều đại của mình, vị vua này chủ yếu dành thời gian cho các cuộc chinh phạt và được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử do đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời.
Một số tài liệu ghi nhận rằng Alexander có tình cảm sâu sắc với Hephaestion, chỉ huy đội kỵ binh đồng thời là bạn thân từ thời thơ ấu của nhà vua. Hai chàng trai học chung với một nhóm quý tộc ở Macedonia dưới sự dạy dỗ của nhà triết học Aristotle khi còn nhỏ. . Khi trưởng thành, họ luôn kề vai sát cánh cùng nhau chinh chiến, bàn luận chính trị... Sau này cả hai đều lập gia đình riêng, nhưng Alexander dành nhiều thời gian ở bên cạnh Hephaestion hơn cả vợ mình.
4. Hipparchus, Hy Lạp (190-120 TCN)
Chân dung Hipparchus (Ảnh: Advocate). |
Nhà thiên văn học, nhà toán học, nhà địa lý học kiêm nhà lãnh đạo độc tài của thành phố Athens – thủ phủ Hy Lạp cổ đại – Hipparchus, được cho là người đồng tính. Theo các ghi chép của sử gia người Hy Lạp cổ đại Thucydides, Hipparchus từng nhiều lần dụ dỗ một người đàn ông đồng tính tên là Harmodius nhưng đều bị người này từ chối.
Hipparchus sau đó đã làm nhục em gái Harmodius. Bởi vậy Harmodius cùng người tình đồng tính của mình, Aristogeiton, quyết định lên kế hoạch ám sát em trai Hipparchus nhưng không thành. Sự hi sinh của đôi tình nhân đã dẫn đến một phong trào lật đổ hai anh em độc tài Hipparchus và Hippias, mở ra nền dân chủ mới tại Athens.
5. Hán Văn Đế, Trung Quốc (202-157 TCN)
Tranh vẽ Hán Văn Đế (Ảnh: The Epoch Times). |
Hán Văn Đế được coi là một vị hoàng đế anh minh và hiếu thuận. Ông là người tiết kiệm, một cái áo bị rách cũng quyết không vứt đi nhưng đối với người thủy thủ trên ngự thuyền của mình - Đặng Thông – ngài lại tỏ ra vô cùng ưu ái.
Rất nhiều lần Hán Văn Đế thưởng cho Đặng Thông vàng bạc và phong cho ông chức đại phu trong triều, mặc dù ngoài việc chèo thuyền ra ông không biết làm gì.
6. Hán Vũ Đế, Trung Quốc (156-87 TCN)
Tranh vẽ Hán Vũ Đế (Ảnh: Advocate). |
Vị hoàng đế thứ bảy của nhà Hán, Hán Vũ Đế, được đánh giá là một vị hoàng đế tài ba với nhiều chính sách phát triển nền chính trị, quân đội và ngoại giao nước nhà. Tuy vậy đây cũng là vị hoàng đế ăn chơi sa đọa bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Hán Vũ Đế được một số nhà nghiên cứu xác định là người song tính bởi rất nhiều mối quan hệ tình ái với cả nam lẫn nữ của ngài. Tiêu biểu nhất là mối quan hệ mờ ám giữa ngài và Lý Diên Niên – một nhạc công nam, anh trai Lý phi tần.
Hoàng hậu Trần A Kiều, người đã thành thân với Hán Vũ Đế ngay từ khi ngài còn chưa lên ngôi thái tử, cũng từng có một mối tình với một nữ phù thủy tên là Sở Phục. Đây được coi là mối tình đồng tính nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Sau này Trần hoàng hậu bị phế truất còn Sở Phục bị tử hình.
7. Julius Caesar, La Mã (100 – 44 TCN)
Tranh vẽ Julius Caesar (Ảnh: Advocate). |
Julius Caesar là một lãnh tụ quân sự và chính trị của La Mã và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ít ai có thể phủ nhận những công lao mà vị danh tướng này đem lại cho đế chế La Mã hùng hậu.
Trong một nhiệm vụ ở đất nước Bithynia, để đảm bảo vua Nicomedes và hạm đội của nhà vua sẽ giúp đỡ mình, Caesar ở lại lâu đến nỗi xuất hiện nhiều tin đồn về tình yêu giữa ông với nhà vua. Một số tài liệu cổ còn ghi nhận việc Caesar đã từng phải buông lời thề thốt trước dân chúng vì sợ dư luận đàm tiếu rằng ngài bị đức vua Nicomedes chinh phục.
Ngoài tin đồn đồng tính với vua Nicomedes, Caesar cũng dính tin đồn quan hệ đồng tính với chính con nuôi của mình là Octavius (khi lên ngôi đã đổi tên thành Augustus Caesar). Ceasar thậm chí còn có riêng một đội quân chuyên dụng dành cho việc phục vụ tình dục đồng tính, đội quân này được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng và cực kỳ trung thành với Ceasar. Chính vì những chuyện tình ái đồng giới nổi tiếng nên nhắc đến Ceasar cũng là nhắc đến biểu tượng của đồng tính thời La Mã cổ đại.
8. Nicomedes IV, Bithynia (94-74 TCN)
Tượng vua Nicomedes IV (Ảnh: Advocate). |
Như đã nhắc đến ở trên, vị vua của Bithynia, Nicomedes IV được dân chúng đồn rằng đã có mối quan hệ đồng tính với nhà lãnh đạo La Mã Julius Caesar trong khoảng thời gian Caesar ở lại đất nước ngài. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng vua Nicomedes đã giữ Caesar lại bên mình với tư cách “Hoàng hậu Bithina” của riêng ngài.
9. Hán Ai Đế, Trung Quốc (26-1 TCN)
Tranh minh họa cảnh "đoạn tụ" của Hán Ai Đế (Ảnh: Advocate). |
Cũng trong thời nhà Hán, câu chuyện tình yêu của Hán Ai Đế được rất nhiều người truyền tụng. Vì sủng ái người tình đồng giới là Đổng Hiền, vị hoàng đế này đã cam tâm bỏ đi không ít người đẹp trong cung, thậm chí ngài còn muốn nhường lại giang sơn cho Đổng Hiền dù cho xuất thân của Đổng Hiền chỉ là một người hầu.
Tương truyền, có lần Đổng Hiền ngủ trong vòng tay nhà vua và gối đầu lên tay áo Ai Đế. Vì không muốn “người tình” tỉnh giấc, ngài bèn lấy dao cắt tay áo rồi nhẹ nhàng trở dậy. Từ ấy về sau, dân gian Trung Quốc lưu truyền điển cố “đoạn tụ” (cắt tay áo) và thường xuyên sử dụng điển cố này để ám chỉ những mối tình đồng tính nam.