Từng gây chú ý với hình ảnh Hai hận trong dự án web drama chiếu YouTube Tay buôn buông tay, Võ Đăng Khoa tiếp tục khai thác thế mạnh hình ảnh và ngôn ngữ miền Tây trên màn ảnh với Ghe bẹo ghẹo ai. Trong phim, nam diễn viên 9X hóa thân vào vai Mến, một người ở cộng đồng LGBT nhưng trong hình hài… giả gái. Cô thầm có tình cảm với chàng trai tên Nhớ - người bạn trai chơi chung từ thuở nhỏ với mình.
Ngay trong tập 1 vừa lên sóng trên kênh YouTube tối ngày 6/6, Võ Đăng Khoa đề cập ngay tới hình ảnh được coi là một "đặc sản ngầm" của miền Tây, đó là "bóng miền Tây" cùng hàng loạt hình ảnh định nghĩa: "bóng" lực điền, "bóng" lộ thiên, "bóng" lão niên… Đây cũng được xem là một cách gọi miền Tây dành cho những người đồng tính nam thuộc cộng đồng LGBT.
Những khái niệm liên quan tới cộng đồng LGBT được Võ Đăng Khoa đề cập trong tập 1 với góc nhìn hài hước. (Ảnh: chụp màn hình)
Sau 24 tiếng ra mắt khán giả, tập 1 của Ghe bẹo ghẹo ai của Võ Đăng Khoa đạt hơn 360.000 lượt cùng nhiều bình luận khen ngợi cho khả năng diễn xuất hài hước của nam diễn viên và các khách mời.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc đề cập tới hình ảnh LGBT thông qua danh xưng "bóng miền Tây" và việc hình tượng hóa nhân vật bằng cách giả gái, ẽo ọt chọc cười trong một sản phẩm dành cho khán giả trẻ là điều không nên. Thậm chí, nhiều sản phẩm phim ngắn, web drama từng có trước đó của các nghệ sĩ nam khác mang hình ảnh cường điệu hóa về giới LGBT cũng từng khiến nhiều người băn khoăn về xu hướng làm tác phẩm giải trí hiện nay.
Nam diễn viên Võ Đăng Khoa cũng giả gái, vào vai Mến trong phim. (Ảnh: chụp màn hình)
Trước những lo lắng này, diễn viên Võ Đăng Khoa cũng nói rõ quan điểm khi chọn đề tài con người miền Tây và đưa hình ảnh giả gái một cách dày đặc trong phim.
Nam diễn viên 9X cho rằng chọn chủ đề khai thác về con người miền Tây sông nước là thế mạnh khi anh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Việc chọn tựa đề "ghe bẹo", một tên gọi khác của những chiếc ghe di chuyển trên sông nước từng bị lãng quên, nay được nhắc lại trong sản phẩm cũng là cách giới thiệu về văn hóa miền Tây. Bên cạnh đó, việc chọn kịch bản có nội dung về LGBT được xuất phát từ những câu chuyện thực tế về những người nam giả gái nhưng khó khăn trong việc come-out cho gia đình và chính Võ Đăng Khoa là người được lắng nghe, góp nhặt lại.
"Khi đề cập những tên gọi một cách trực tiếp này, tôi chỉ muốn người trong cộng đồng LGBT nhìn thực tế và phải vui với tên gọi, với giới tính của mình thì người khác mới vui với điều đó. Bạn phải bình thường trong chính giới tính mình đang có, đừng nên nghĩ mình là "điều đặc biệt" vì điều đó đang tự khiến bản thân trở nên khép kín. Tôi muốn các bạn trong cộng đồng LGBT hãy sống như một người bình thường, nghĩ về bản thân một cách bình thường thì xã hội sẽ công nhận bằng như cách chúng ta nghĩ về bản thân" - Nam diễn viên Võ Đăng Khoa trả lời trước việc sử dụng từ "bóng" trong dự án này.
Võ Đăng Khoa là cháu nuôi của NSƯT Hoài Linh, gọi nam danh hài bằng cậu. (Ảnh: NVCC)
Nam diễn viên trẻ cùng đạo diễn Võ Thanh Hòa giải thích rõ về việc chọn chủ đề LGBT và những băn khoăn, mong đợi khi làm dự án này. (Ảnh: NVCC)
Về phía đạo diễn Võ Thanh Hòa, anh cũng từng đắn đo khi nhận kịch bản từ phía Võ Đăng Khoa khi phải tìm cách khai thác con người trong giới LGBT dưới góc nhìn nhân văn, không gây phản cảm.
Anh chia sẻ: "Nhiều anh chị em cũng lo rằng việc xây dựng hình tượng Mến, các nhân vật nam giả gái trong một tác phẩm có tính hài kịch sẽ nhận về phản ứng tiêu cực từ khán giả. Nhưng tôi nghĩ bất kì điều cũng có hai mặt, nếu chúng ta nhìn nhận mặt tích cực, hiểu được ẩn ý đằng sau cách xây dựng hình ảnh nhân vật thì họ sẽ có cảm xúc với phim.
Điều tôi quan trọng nhất tôi nghĩ, ở một nơi văn hóa nhận thức còn trũng như miền Tây, họ rất hà khắc với cộng đồng LGBT và tôi muốn khán giả nhìn vào thực tế, sau tiếng cười là sự suy nghĩ để hiểu về những con người như vậy. Bộ phim sẽ là cầu nối để chính khán giả nhìn vào câu chuyện của người trong cộng đồng LGBT. Họ sinh ra không có quyền lựa chọn giới tính nhưng họ có quyền sống đúng với con người và mong nhận được sự yêu thương từ chính gia đình, xã hội.
Thực tế ở miền Tây, nhiều người vẫn gọi người đồng tính là "bóng" và tôi muốn đề cập chính cái tên gọi thực tế này và từ chính câu chuyện xây dựng, những ai còn giữ quan niệm hà khắc ấy sẽ công nhận những số phận đáng được trân trọng, vẫn sống bằng chính sức lao động và có quyền được mơ ước. Và đừng kì thị họ. Đó là điều tôi mong muốn nhất!"