Dầu thô Trung cấp Hoa Kỳ West Texas (WTI) giảm 27,62% xuống còn 29,88 USD/thùng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Trước đó, giá dầu WTI đã giảm xuống mức thấp, chỉ 27,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế cũng giảm mạnh 26,4% xuống còn 33,32 USD/thùng. Dầu Brent giao tương lai cũng đã giảm hơn 30%.
Giá dầu tronng hôm nay đã giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, sau khi Ả Rập Xê Út chính thức giảm giá bán và lên kế hoạch tăng mạnh sản lượng dầu thô vào tháng tới, trên mức 10 triệu thùng mỗi ngày, theo báo cáo của Reuters. Vương quốc này hiện đang bơm 9,7 triệu thùng mỗi ngày, nhưng có khả năng tăng vọt lên tới 12,5 triệu thùng mỗi ngày.
"Chúng tôi tin rằng cuộc chiến giá dầu của OPEC và Nga đã bắt đầu một cách dứt khoát vào cuối tuần này, khi Ả Rập Xê Út mạnh tay giảm giá với vị thế nhà cung cấp dầu thô nhiều nhất trong suốt 20 năm qua", nhà phân tích Damien Courvalin của Goldman Sachs, chia sẻ với CNBC.
Tuần trước, Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Liên bang Nga đã không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Phía OPEC khuyến nghị cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm. Nhưng chính quyền ông Putin đã từ chối siết chặt nguồn cung, để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Lập tức, OPEC đáp trả bằng cách loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của chính họ.
Hai bên chính thức khép lại "mối tình" kéo dài 3 năm giữa "cặp đôi hoàn cảnh" Nga và OPEC.
Liên minh OPEC - Nga được hình thành sau khi Mỹ có động thái giở chiêu "chủ nghĩa tư bán độc quyền", dựa vào mỏ dầu đá phiến, tự xưng là giàu trữ lượng hàng đầu thế giới. Những năm đầu thập niên 2010, Mỹ cật lực bơm hàng chục triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường, với giá rẻ. Sau khi tự lực chiến đấu, OPEC và Nga quyết định hợp sức.
Liên minh này liên tục phản pháo rằng Mỹ đang muốn hạ giá dầu hết mức có thể, khiến các nước khác phải thua lỗ, từ đó chiếm thế độc quyền về dầu mỏ.
Từ đó, OPEC và Nga luôn song hành trong những đợt cắt giảm sản lượng dầu, nhằm kiềm hãm sự tuột dốc về giá cả. Thế nhưng, mọi chuyện đã khác trong những tháng qua.
"Từ ngày 1/4/2020, chúng tôi bắt đầu làm việc mà không bận tâm đến hạn ngạch hay giảm giá đã có trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak chia sẻ. Nhưng vị này cũng nhấn mạnh: "Điều đó không có nghĩa là mỗi quốc gia sẽ không theo dõi và phân tích diễn biến thị trường".
"Tiên lượng cho thị trường dầu thậm chí còn khủng khiếp hơn so với hồi tháng 11/2014. Một cuộc chiến về giá diễn ra trong lúc nhu cầu về dầu đang giảm mạnh, do virus corona là viễn cảnh tồi tệ", phía Goldman nhận định.
Tháng 11/2014 là đỉnh điểm của giai đoạn OPEC và Mỹ mất kiểm soát nguồn cung, vì đôi bên đều muốn giành thị phần. Giá dầu WTI đã giảm 46%, dầu Brent giảm đến 48% trong năm 2014.
Nhìn vào tình hình hiện nay, Goldman đã cắt giảm dự báo Brent quý II và quý III xuống còn 30 USD/thùng, và cảnh báo giá dầu vẫn có khả năng giảm xuống mức kỉ lục 20 USD/thùng.
Giá dầu vốn đã giảm mạnh trong năm nay, do sự bùng phát của virus corona dẫn đến nhu cầu dầu thô giảm. Đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan sang các nền kinh tế lớn khác như Ý, Hàn Quốc và số ca mắc bệnh ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, đã làm gia tăng mối lo ngại rằng nhu cầu dầu sẽ giảm nghiêm trọng trong năm nay.
Goldman Sachs và các ngân hàng lớn như Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu của dầu. Morgan Stanley dự đoán Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng nhu cầu bằng không vào năm 2020.
Goldman thì tiên lượng, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm 150.000 thùng mỗi ngày.
Rebecca Babin, nhà kinh doanh cổ phần cao cấp của CIBC Private Wealth Management, cho biết cả hai sự kiện dịch Covid-19 và liên minh OPEC-Nga tan vỡ đều không được mong đợi. Bà cho biết những điều quan trọng cần theo dõi trong tương lai, là liệu Ả Rập Xê Út và Nga có đạt được thỏa thuận riêng hay không. Nếu không, thị trường chỉ còn trông mong vào nguồn cung của Mỹ sẽ cắt giảm nhanh chóng như thế nào, để hỗ trợ giá dầu.
"Vẫn còn sự không chắc chắn đáng kể, và thị trường không chờ đợi để tìm hiểu xem phép màu có thể xảy ra hay không", bà nói thêm.
Còn Ali Khedery, CEO của Công ty chiến lược Dragoman Ventures, dự đoán các kết quả lạc quản hơn và có khả năng nhất là một cuộc chiến giá dầu "có phần hạn chế", trước khi OPEC và Nga thống nhất một thỏa thuận mới. Công ty của ông tin rằng, có đến 60% cơ hội hai bên sẽ sớm bắt tay, nồng ấm hay không thì chưa rõ.
Người sáng lập Vital Knowledge, Adam Crisafulli chia sẻ với CNBC, rằng: "Dầu đã trở thành một vấn đề lớn hơn đối với thị trường so với virus corona".
Nhưng ông cũng lạc quan vì tình hình có vẻ sẽ tiến triển như đợt chiến tranh giá dầu hồi tháng 1/2016.
"Ả Rập Xê Út không thể chịu đựng được sự suy thoái giá dầu, giá dầu chiếm lượng lớn vốn tài chính của đất nước. Hơn nữa, Saudi Aramco, công ty khai thác dầu quốc gia, hiện là một công ty đại chúng, tức đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Do đó, chính phủ vương quốc này sẽ không quá ung dung trong việc chứng kiến giá dầu cứ tà tà ở mức 30 USD/thùng", vị này phân tích.
Reuters dẫn thêm ý kiến từ một chuyên gia đến từ Goldman, rằng: "Chúng ta không thể loại trừ một thỏa thuận OPEC + trong những tháng tới. Chúng tôi tin rằng việc sản xuất bị cắt giảm sẽ là một liệu pháp mang tính kinh tế".
Reuters tin dự báo trên có thể diễn ra. Hãng tin này phân tích, giá dầu thấp hơn sẽ bắt đầu tạo ra căng thẳng tài chính cấp tính, và mất cân bằng với chi phí sản xuất. Chưa kể, việc sản xuất dầu đá phiến đang có chi phí cao hơn, vì thế, Mỹ sẽ "ra tay" là điều khó tránh.
"Sẽ có một phản ứng không đáng kể từ các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ trong quý II, nhưng sản lượng sẽ giảm trong quý III khoảng 75.000 thùng mỗi ngày, và thêm 250.000 thùng mỗi ngày trong quý IV năm 2020", phía Goldman dự đoán.
Chưa kể, Trung Quốc liên tục báo tin vui về tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Thị trường hi vọng nền kinh tế thứ 2 thế giới sớm phục hồi, để tăng lượng tiêu thụ dầu, phần nào đẩy giá dầu tăng trở lại mức bình ổn.
Giả sử không có thay đổi trong chính sách sản xuất dầu mỏ, Goldman dự kiến nguồn cung dầu trên toàn thế giới sẽ ổn định trong quý IV/2020, và sẽ giảm lượng hàng tồn kho dư thừa dần cho đến năm 2021.
Tổ chức này cho biết triển vọng rút bớt hàng tồn kho sẽ giúp giá dầu tăng trở lại mức 40 USD/thùng vào cuối năm nay.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020