Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube

Dùng video bạo lực và nhảm để thu hút người xem là xu hướng phổ biến trên YouTube. Do đó, không khó hiểu khi các webdrama thường có công thức là giang hồ, bạo lực pha chút hài.

Thời gian gần đây, “giang hồ” trở thành một từ khóa “hot”, và đặc biệt được ưa chuộng trên YouTube. Có thời điểm, những video lọt top trending YouTube, nếu không phải là của những thanh niên cởi trần, xăm trổ, trác táng tục tĩu như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền thì cũng là những web drama và phim ca nhạc về giang hồ, xã hội đen.

Tất nhiên, thật khó để so sánh những clip vô bổ của các “giang hồ mạng” với những web drama được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản của giới showbiz trên YouTube. Nhưng khán giả cũng có quyền đặt câu hỏi: “Tại sao web drama giang hồ ngày càng nhiều, và nghệ sĩ cũng không ngại biến mình thành… anh chị xăm trổ?”

Cầu danh và kiếm tiền từ hình ảnh giang hồ

Giữa năm 2018, Thu Trang là nữ diễn viên hài đầu tiên của Việt Nam được YouTube trao nút vàng. Kênh cá nhân của cô có nhiều sản phẩm, nhưng thành tích này đến từ Thập Tam Muội - một web drama về giang hồ.

Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube - Ảnh 1.

Thu Trang nhận nút vàng YouTube vì phim về giang hồ.

Thập Tam Muội gây bão năm 2018, nhiều tập phim đứng đầu top trending. Theo số liệu hiện tại, tập 1 đang đứng đầu series Thập Tam Muội với 42 triệu lượt xem, tập 2 có 38 triệu lượt xem, trong khi tập 3 ít hơn một chút với 37 triệu lượt. Tổng cộng có hơn 117 triệu lượt xem cho 3 tập.

Trước khi nhận nút vàng, với tổng lượt xem lên tới hơn một trăm triệu, Thu Trang và ê-kíp được cho là thu về số tiền không nhỏ. Với việc đăng ký quảng cáo, YouTube trả cho chủ nhân của kênh tùy vào lượng người xem tại khu vực nào đó trên thế giới với khoảng 0,3-4 USD (tương đương 7.000-93.000 đồng) cho 1.000 lượt xem, hiển thị. Như vậy, với 42 triệu views của tập 1, Thu Trang có thể nhận ít nhất 12.600 USD, chưa kể những nguồn thu khác.

Thành công của Thập Tam Muội được cho là cơ sở để Thu Trang đầu tư 16 tỷ làm bản điện ảnh của tác phẩm này, biến web drama thành phim chiếu rạp.

Ngoài vấn đề doanh thu, tên tuổi của Thu Trang cũng đình đám hơn sau Thập Tam Muội. So với những vai hài trước đó, vai nữ chính giang hồ trở thành vai diễn thành công và được nhớ đến nhất của cô.

Thành công của Thu Trang khiến rất nhiều nghệ sĩ Việt quyết tâm tham gia đường đua web drama giang hồ, bạo lực, vốn được cho là... "dễ làm, dễ hưởng".

Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube - Ảnh 2.

Cuộc đua web drama giang hồ, bạo lực có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng.

Công thức web drama: Giang hồ + hài

Thập Tam Muội kể về cuộc sống của một nhân vật cùng tên với tác phẩm, do Thu Trang đóng. Đó là một cô gái lăn lộn chốn giang hồ và làm bảo kê cho một nhà chứa.

Phim có nhiều pha hành động thể hiện đúng bản chất giang hồ, có nhiều hình ảnh xăm trổ của dân anh chị, cũng có nhiều câu nói suồng sã, bình dân. Nhưng phim cũng có nhiều tình tiết hài hước với những mảng miếng hài đặc trưng của Thu Trang.

Ví dụ như trong tập 1, nhân vật Hồng Phất Nữ (Diệu Nhi thủ vai) xuất hiện. Cô có đam mê là được… làm gái. Tuy nhiên, Thu Trang với tư cách nữ trùm khẳng định nhan sắc và đam mê thôi chưa đủ, bởi lẽ làm gái cũng phải có bằng cấp. Nữ trùm quyết định đưa Diệu Nhi đến gặp Dư ma ma (Minh Dự) để tham gia khóa "huấn luyện làm gái", nghĩa là “được học hành bài bản”.

Hay như một tình tiết khác là “bẻ thẳng thành cong” qua hình ảnh của nhân vật Đào Hoa (BB Trần). Theo đó, để có thể đưa kẻ thù vào bẫy, Thu Trang nhờ Đào Hoa tham gia một khóa đào tạo để học cách quyến rũ đàn ông. Phân cảnh này gây cười vì điệu bộ và cư chỉ của BB Trần.

Thập Tam Muội đan xen bài bản giữa giang hồ, bạo lực với hài. Giữa những câu chuyện thanh trừng, đánh đấm của thế giới ngầm luôn có những tình tiết hài hước. Đây cũng là công thức chung của các phim web drama về giang hồ sau đó như Vi Cá tiền truyện, Chết thì chịu, Giang hồ Chợ mới hay mới đây là Thập tứ cô nương.

Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube - Ảnh 3.

Giang hồ, bạo lực pha hài được cho là công thức của các web drama ăn khách hiện nay.

Mô-típ nội dung nhìn chung là na ná nhau. Web drama nào cũng có cảnh súng, bạo lực, một vài ngón võ và tràn ngập những nhân vật xăm trổ. Nhưng nội dung không đến mức đổ máu, chém giết, ghê rợn như phim giang hồ đúng nghĩa. Yếu tố hài giúp nội dung trở nên nhẹ nhàng nhưng nhiều lúc quá đà, trở thành “xàm” và nhảm.

Cũng không khó để nhận ra những web drama dạng này chủ yếu là của nghệ sĩ hài. Thập Tam Muội do Thu Trang đóng chính, trong khi Chết thì chịu là Việt Hương đóng chính, còn Thập tứ cô nương được Nam Thư vừa đầu tư vừa đảm nhận vai quan trọng nhất.

Lặp lại vì kịch bản bế tắc, cùng đạo diễn

Ngoài công thức chung là giang hồ, bạo lực kết hợp với hài, điểm chung của các web drama về giang hồ là được ra nhiều tập, cách nhau thời gian không quá lâu. Một số phim còn ra thêm các tập ngoại truyện hoặc hậu trường, và cũng có lượt xem không nhỏ.

Nhưng cũng có một thực tế với tất cả web drama là các tập sau luôn có lượt xem thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều tập trước. Thập Tam Muội là ví dụ, tính đến hiện tại tập cuối thấp hơn tập 1 khoảng 5 triệu views. Chết thì chịu của Việt Hương cũng vậy, tập 1 có 5,8 triệu lượt xem, tập 5 chỉ còn 2,3 triệu.

Ngay với phim ca nhạc về đề tài giang hồ cũng có kết quả tương tự. Phim ca nhạc Dẹp loạn giang hồ của Ưng Hoàng Phúc tập 1 có 7,5 triệu lượt xem, tập 3 chỉ còn 3,9 triệu.

Do vậy, nhiều phim đã phải dừng lại sau khoảng 3-4 tập, một phần vì lượt xem đã giảm. Ngoài ra, kịch bản của nhiều web drama tỏ ra bế tắc. Nhiều tập phim có nội dung na ná nhau.

Không chỉ hành động cũ, đôi khi miếng hài cũng cũ. Câu chuyện làm gái phải “học hành bài bản” cũng chỉ gây cười được một lần, và những dáng đi của BB Trần cũng không thể thu hút tới lần thứ 3 trong cùng một phim.

Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube - Ảnh 4.

Nhiều web drama, phim ca nhạc giảm lượt xem ở những tập sau vì kịch bản cũ kỹ, lặp lại.

Chưa kể, nhiều phim tuy được đầu tư bởi nghệ sĩ khác nhau nhưng nội dung cũng có nhiều điểm tương đồng. Mô-típ xoay quanh một nữ trùm với hình ảnh cave, bảo kê, quán bar, dạy dỗ đàn em, tìm cách đối phó với đối thủ xuất hiện hầu hết ở web drama về giang hồ. Nhiều nội dung dù vẫn có lượt xem “khủng” thấy rõ sự cũ kỹ và lặp lại.

Nguyên nhân là những kịch bản không có nhiều khác biệt, đôi khi lại được viết và đạo diễn bởi cùng một người. Cụ thể, đạo diễn web drama giang hồ được ưa chuộng nhất hiện này là Mr. Tô.

Mr. Tô thường đóng cả hai vai trò là biên kịch và đạo diễn. Anh là đạo diễn của Thập tứ cô nương, Thập tam muội, Giang hồ chợ mới, Vi cá tiền truyện… Nhiều phim ca nhạc về giang hồ khác cũng do anh đạo diễn, đơn cử như Người trong giang hồ của Lâm Chấn Khang.

Một đạo diễn cho... rất nhiều phim cùng đề tài, lại là những phim liên tiếp, dù có khả năng sáng tạo đến đâu, sự cũ kỹ, lặp lại mảng miếng, chiêu trò của chính mình cũng là điều khó tránh.

Theo chuyên gia Dipayan Ghosh - nghiên cứu sinh tại Trường Kinh Doanh Kennedy ở ĐH Harvard, từng làm việc trong đội ngũ về chính sách và quy định riêng tư của Facebook - các mạng xã hội như YouTube có xu hướng khuyến khích các nội dung gây sốc vì chúng được thế kế để tối đa hóa lượng truy cập.

Báo cáo của Bloomberg cho biết trong nhiều năm qua, YouTube đã phớt lờ những lời cầu khẩn của nhân viên về việc giải quyết và gỡ bỏ các video mang tính đầu độc trên kênh vì họ cho rằng nó không nằm trong chiến lược thúc đẩy số lượng người xem.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.