Vì sao hãng hàng không Mỹ có thể cho đặt quá vé và loại hành khách?

Hãng hàng không Mỹ được phép bán vé quá số ghế trên máy bay nhưng phải đền bù cho hành khách tùy thuộc vào thời gian trì hoãn. 
vi sao hang hang khong my co the cho dat qua ve va loai hanh khach
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines. Ảnh: CNBC

Hãng United Airlines đã loại 3.765 hành khách ra khỏi các chuyến bay vào năm ngoái chỉ vì họ bán nhiều vé hơn chỗ ngồi trên máy bay, nhưng không ai trong số đó gây chú ý nhiều như David Dao, bác sĩ gốc Việt bị kéo xuống máy bay ở Chicago vào cuối tuần qua, theo ABC.

Video trên mạng xã hội cho thấy những khuôn mặt bàng hoàng của hành khách khác. Vụ việc tạo ra cơn ác mộng về quan hệ công chúng cho hãng hàng không sau khi video được lan truyền khắp nơi.

Bán vé quá số ghế

Bán vé quá số ghế là phương thức phổ biến với các hãng hàng không và hoàn toàn hợp pháp. Các hãng hàng không làm vậy với giả định rằng sẽ có hành khách bỏ chuyến.

Vì các hãng hàng không muốn các chuyến bay có càng ít chỗ trống càng tốt, họ dựa vào số liệu lịch sử và các yếu tố thời gian, mùa để dự báo tỷ lệ bỏ chuyến trên từng đường bay, theo các khung giờ bay, từ đó bán thừa ra một lượng vé.

Khi khách đến bay nhiều hơn số ghế, hãng hàng không buộc phải loại một số người ra khỏi chuyến bay.

Các hãng hàng không Mỹ đã yêu cầu 40.000 hành khách rời khỏi chuyến bay vào năm ngoái, không kể những người tự nguyện từ bỏ ghế của mình.

Tuy nhiên, chuyến bay của bác sĩ David Dao thực tế không bị đặt quá số ghế. Hãng này muốn loại 4 hành khách để có chỗ cho 4 thành viên phi hành đoàn cần có mặt tại Louisville vào ngày hôm sau.

Người tự nguyện

Đối với những người tự nguyện bỏ ghế, hãng hàng không thường đáp lại bằng một voucher hay quà tặng khác và sắp xếp cho họ chỗ ngồi trên chuyến bay sau. Theo chính phủ Mỹ, 434.000 hành khách tự nguyện bỏ ghế của 12 hãng hàng không lớn nhất nước này vào năm ngoái, trong đó gần 63.000 người ở hãng United Airlines. Hãng hàng không bán quá số ghế nhiều nhất là Delta Air Lines - khoảng 130.000 hành khách trên Delta đã đồng ý bỏ ghế của họ vào năm ngoái.

Nếu không có người tự nguyện, các hãng hàng không có thể từ chối cho hành khách lên máy bay hoặc loại hành khách ra khỏi chuyến bay dù họ không đồng ý. Đó dường như là điều đã xảy ra trước chuyến bay của hãng United Airlines đến Louisville, Kentucky cuối tuần qua.

Bồi thường

Hãng hàng không phải cung cấp cho hành khách một văn bản giải thích quyền lợi được bồi thường của họ.

Khoản bồi thường tùy thuộc vào thời gian hành khách bị trì hoãn. Nếu hãng hàng không có thể sắp xếp chuyến bay khác cho hành khách và đưa người này đến đích trong vòng một giờ sau thời gian hạ cánh của chuyến bay trước thì họ không cần bồi thường.

Nếu hành khách đến muộn hơn kế hoạch từ 1 đến 2 giờ với chuyến bay trong nước hoặc từ 1 đến 4 giờ cho chuyến bay quốc tế thì hãng hàng không phải trả cho hành khách gấp đôi giá vé, lên tới 675 USD.

Nếu hành khách bị trì hoãn hơn hai giờ với chuyến bay trong nước hoặc 4 giờ đối với các chuyến bay quốc tế thì hãng hàng không phải trả gấp 4 lần giá vé, lên đến 1.350 USD.

Trong chuyến bay từ Chicago đến Louisville nói trên, hãng United Airlines được cho là đã đề xuất bồi thường 800 USD và hai người đã đồng ý.

Đối tượng không bị loại khỏi chuyến bay

Các hãng hàng không thường sẽ loại các hành khách mua vé rẻ nhất vì mức bồi thường sẽ thấp hơn. Hãng United Airlines cho biết họ sẽ cân nhắc đến việc hành khách đó mất bao lâu để đến đích trong chuyến bay sau, họ sẽ không chia tách một nhóm đi với nhau và sẽ không chọn trẻ vị thành niên đi một mình.

Các hãng thường bán quá số ghế vào mùa du lịch như kỳ nghỉ mùa xuân và mùa hè, nhưng việc bị buộc rời khỏi chuyến bay có thể xảy ra bất cứ lúc nào có thời tiết xấu khiến một số chuyến bay bị hủy bỏ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.