Chiều 1/3, sau vài phút bất ngờ trở lại phần xét hỏi, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên xử li hôn giữa vợ chồng nhà sáng lập cà phê Trung Nguyên.
Giải thích lí do tiếp tục hoãn phiên tòa, đại diện HĐXX cho rằng để các bên thu thập thêm chứng cứ.
Việc phiên tòa xét xử tranh chấp li hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục hoãn ra phán quyết cuối cùng khiến ông Vũ cho rằng:" Quá mệt mỏi vì tranh chấp kéo dài. Thật sự mệt".
Tuy nhiên, bà Diệp Thảo nói đây là điều cần thiết. Bà Thảo cho biết chính bà đã nộp đơn xin tòa hoãn xét xử.
Bà Diệp Thảo cho rằng đang xuất hiện dư luận "không tốt" cho mình, và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phán quyết có thể cảm tính của HĐXX, nên đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.
Lí do xin tạm dừng phiên xử, bà Thảo cho rằng: "Quá trình xét xử còn nhiều việc chưa đúng thủ tục, nên tôi nghĩ rằng không chắc chắn để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Ngoài ra, có nhiều vấn đề mà truyền thông đưa lên không đúng, chưa chính xác, thậm chí là sai lệch rất nghiêm trọng. Nó đang ảnh hưởng đến uy tín của tôi và nó có thể khiến những quyết định của toà bị cảm tính. Vì vậy tôi đề nghị phải cung cấp đầy đủ các chứng cứ để toà có thể đưa ra những phán quyết đúng đắn. Tôi muốn việc cầm cân nẩy mực của những người ở toà phải thật thông minh, đúng pháp luật và theo đạo lý đúng đắn".
Trước nhận định của VKS về việc bà Thảo không chứng minh được đã đóng góp vào quá trình khởi nghiệp của Tập đoàn Trung Nguyên, luật sư Hoàng Anh Tuấn, bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, cho rằng: "Luật pháp quy định rõ công sức đóng góp vào tài sản của hai vợ chồng và việc khởi nghiệp là hoàn toàn khác nhau".
Cụ thể, luật sư phía nguyên đơn phân tích tại Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ và bà Thảo có đến 90% cổ phần. Khai trước tòa, ông Vũ lại không thừa nhận số tiền khởi nghiệp do hai vợ chồng đóng góp, nhưng bà Thảo đã góp cho bố và mẹ ông Vũ. Phần lớn số tiền này có chứng cứ do bà Thảo góp vào Trung Nguyên, công ty hoà tan và các công ty khác cũng như thế.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định ông tôn trọng phán quyết cuối cùng của tòa, ông tin tòa sẽ có quyết định đúng đắn nhất. Nhưng nếu không còn điều hành Trung Nguyên để doanh nghiệp tiếp tục phát triển như chiến lược đã hoạch định, thì đó là nỗi buồn rất lớn của ông.
"Ông Vũ khai trước toà rõ ràng là không có tài sản riêng trước khi kết hôn, và không được tặng cho tài sản chung trong thời kì hôn nhân, vậy nó là tài sản của hai vợ chồng, được hình thành từ công sức của chung, chứ không phải của riêng ai cả. Ở đây có hiểu lầm giữa khởi nghiệp và tài sản", luật sư phân tích.
Ngoài ra, theo luật sư của bà Thảo, việc chuyển đổi từ hợp tác xã sang Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên trên thực tế không thể tồn tại. Bởi hệ thống pháp luật Việt Nam từ năm 1990 đến nay không có quy định nào cho phép chuyển đổi trực tiếp từ hợp tác xã sang công ty TNHH cả.
"Vì thế, những chứng cứ họ đưa ra là những chứng cứ mang tính giả dối", luật sư phía nguyên đơn quả quyết.
Liên quan đến việc tranh chấp tài sản dai dẳng giữa hai vợ chồng, trao đổi với phóng viên tại tòa, ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: "khi Qua còn nói là Qua còn muốn cô ấy tỉnh ngộ, hãy để Trung Nguyên phát triển và thực hiện sứ mệnh giúp quốc gia dân tộc".
Theo ông, doanh nghiệp ngoài kinh doanh để tăng trưởng như kì vọng còn phải có trách nhiệm với cộng đồng.
"Với Qua, tỉ đô mà nếu để khai sáng dân tộc thì đâu có mắc", ông Vũ nhấn mạnh.
Khi được hỏi quan điểm về việc phân chia cổ phần theo tỉ lệ 50-50 như bà Thảo đề xuất và nếu được tòa chấp nhận, ông Vũ nói: "Qua không giành tiền, không đưa ra con số được mất, nên Qua sẽ tôn trọng phán quyết của tòa. Qua sẽ chấp nhận hết vì Qua tin ngoài làm đúng pháp luật thì tòa cũng sẽ phán quyết đúng lương tâm, đạo đức.
Khác với những phiên xử trước, chiều 1/3, bà Thảo lặng lẽ đọc tài liệu, từ chối chia sẻ với báo chí trước khi phiên tòa diễn ra.
Phóng viên hỏi thêm: Mong muốn lớn nhất của ông có phải là giữ quyền điều hành Trung Nguyên không, giọng ông Vũ xúc động: "Cái đó là của Qua, không ai giành được. Cứ hỏi nhân viên từ tuyến sản xuất đến kinh doanh, cái đó là của Qua".
Ông Vũ nói Trung Nguyên phải đi theo con đường có sẵn trước đó, đã hướng lên toàn cầu. "Đâu phải con buôn mà đi kiếm nghìn tỉ, để rồi đế chế hưng thịnh phải lụi tàn".
Ông cũng bày tỏ sự mệt mỏi khi phiên tòa vẫn chưa đến hồi kết. Hơn thế, "vua cà phê" cho biết rất đau lòng khi "vợ mang cả gia đình Qua ra tòa".
"Qua mong vụ kiện mau kết thúc để Trung Nguyên sớm ổn định, vươn ra thế giới", ông Vũ nói trước khi rời phòng xử.
HĐXX thông báo phiên tòa tranh chấp li hôn của vợ chồng ông Vũ dự kiến mở lại lúc 8h ngày 27/3.
Tại phần tranh luận trước đó, bà Thảo đề nghị được hưởng 51%, chia cho ông Vũ 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.
Vụ tranh chấp li hôn của vợ chồng nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên kéo dài gần 4 năm, với khối tài sản hơn 8.400 tỉ đồng, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, nơi hai vợ chồng nắm 30% cổ phần, bà Thảo muốn mỗi người hưởng 15%. Còn ở Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên, tài sản chung của hai vợ chồng là 15% cổ phần nên cũng cưa đôi, mỗi người 7,5%.
Riêng 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.
Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý với đề nghị này. "Vua cà phê" muốn được chia 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty, 30% còn lại là của bà Thảo.
Trước đó, phát biểu quan điểm trong phiên tòa ngày 25/3, đại diện VKS cho rằng: "Theo quy định, tài sản chung của vợ chồng, nếu không thống nhất cách chia thì sẽ chia đôi, nhưng có tính theo công sức đóng góp, hoàn cảnh, điều kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Người vợ hoặc chồng ở nhà cũng tính là thu nhập phù hợp.
Xét giấy phép kinh doanh, Công ty Trung Nguyên thành lập mang tên ông Vũ từ 1996, bà Thảo cho rằng mình có đóng góp, nhưng không có chứng cứ chứng minh. Qua các lần thay đổi, Từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, ông Vũ là người đại diện pháp luật. Nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên cũng do ông Vũ xây dựng. Năm 2007, bà Thảo mới được bổ nhiệm. Vì vậy đề nghị phân chia tài sản phải phù hợp, đảm bảo hoạt động công ty, đảm bảo quyền lợi các bên".
Ngoài việc chưa đồng thuận trong phân chia tài sản cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, khối tài sản chung của hai vợ chồng được xác định trị giá 2.109 tỉ đồng gửi tại ngân hàng cũng chưa đủ cơ sở pháp lí để phân chia. Ông Vũ cho rằng khối tài sản này cũng chia theo tỉ lệ 70% cho ông, tương đương 1.472 tỉ đồng, và 30% thuộc bà Thảo, tức 880 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía bà Thảo nói đây là tài sản trong quá khứ, hiện nay đã không còn.