Vì sao Trump quyết 'đạp đổ' Obamacare?

Tổng thống Donald Trump gọi đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare của người tiền nhiệm Barack Obama là "thảm họa" và "cần phải thay thế".
vi sao trump quyet dap do obamacare
Tổng thống Donald Trump mừng chiến thắng sau khi Hạ viện thông qua Đạo luật chăm sóc sức khỏe người Mỹ (AHCA) thay thế Obamacare. Ảnh: Reuters

Vài ngày sau lễ nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh giảm bớt gánh nặng pháp lý trong việc sửa đổi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) hay còn gọi là Obamacare.

Phát biểu trước giới truyền thông, ông Trump cũng thẳng thừng tuyên bố: "Obamacare hoàn toàn là một thảm họa".

Ngày 4/5, phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng sau khi Hạ viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật chăm sóc sức khỏe người Mỹ (AHCA) thay thế Obamacare, Tổng thống Trump tuyên bố Obamacare "đã chết". "Tôi biết nó đã không hiệu quả. Tôi đã dự đoán từ lâu. Nó sẽ thất bại. Và giờ đây, hiển nhiên đạo luật đã thất bại. Obamacare đã chết", BBC dẫn lời ông nói.

Việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua AHCA để thay thế Obamacare được coi là thắng lợi quan trọng đối với ông Trump, người đã nhiều lần hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng sẽ huỷ bỏ và thay thế đạo luật y tế của người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama, theo Independent.

Vì sao ông Trump luôn cương quyết xóa bỏ Obamacare?

Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền là một sáng kiến cải cách y tế của cựu Tổng thống Obama. Nó dựa trên sự hợp tác giữa chính quyền và các công ty bảo hiểm bán chính sách cho từng cá nhân và gia đình đóng bảo hiểm y tế tự nguyện. Đạo luật này được ký vào ngày 23/3/2010. Obamacare được coi là một trong những "di sản" lớn nhất trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama.

Đạo luật đem lại chương trình bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người. Nhưng sự gia tăng phí bảo hiểm, các khoản khấu trừ và việc một số công ty bảo hiểm lớn không còn muốn tham gia, đã gây nhiều khó khăn cho đạo luật y tế này.

Cựu Tổng thống Obama từng hứa rằng Obamacare sẽ không góp thêm “một xu nào vào thâm hụt ngân sách” trong năm 2009. Tuy nhiên, theo bài viết trên Forbes, Obamacare “ngốn” ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD trong chi phí của chính phủ liên bang từ năm 2015 tới 2016. Nợ quốc gia của Mỹ tăng nhanh chóng khi đạt tới con số 20 nghì tỷ USD và Obamacare rõ ràng là một yếu tố góp vào số nợ kỷ lục đang ngày càng tăng đó.

Hơn 70% GDP của Mỹ tới từ tiêu dùng cá nhân. Obamacare làm giảm thu nhập của tất cả người Mỹ và do đó sẽ khiến GDP giảm. Thêm vào đó, nhiều công ty bảo hiểm kêu gọi tăng chi phí lên gấp đôi vào năm 2016. Vào thời điểm đó, Obamacare được cho là “không thể kiểm soát và không thể quản lý được”.

Trong cuốn Crippled America: How to Make America Great Again (Tạm dịch: “Nước Mỹ què quặt: Làm thế nào khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Trump xuất bản năm 2015, ông viết rằng chi phí bảo hiểm đang "tăng không phanh từ 30 - 50% và nó cũng sẽ chỉ trở nên tệ hơn". "Không còn nghi ngờ gì nữa, Obamacare là một nỗi tai ương và nó phải được hủy bỏ và thay thế. Giới y, bác sĩ ghét điều này. Giới bác sĩ đang bỏ việc ở khắp nơi", ông viết.

Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Bill O'Reilly của đài Fox News, Tổng thống Trump trả lời khi được hỏi nếu liệu người Mỹ có thể mong đợi Obamacare được thay thế trong năm 2017 hay không. "Tôi muốn nói rằng tôi sẽ giới thiệu nó vào cuối năm nay. Nhưng chúng ta cần phải làm việc cụ thể trong năm nay và cả năm sau nữa”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng, việc thay thế là "rất phức tạp", nhưng kêu gọi người Mỹ nhớ rằng "Obamacare là một thảm hoạ”.

Đạo luật thay thế của Trump liệu có tốt hơn?

vi sao trump quyet dap do obamacare
Tổng thống Trump giới thiệu Đạo luật chăm sóc sức khỏe người Mỹ (AHCA). Ảnh: Ncscooper.com

Dù được Hạ viện thông qua với chiến thắng sít sao, Đạo luật chăm sóc sức khỏe người Mỹ (AHCA) hay còn được ví là Trumpcare mà tổng thống định đưa ra thay thế Obamacare hiện đối mặt với cuộc chiến khó khăn tại Thượng viện. Tuy nhiên, Trump vẫn tự tin về kết quả và cam kết phí bảo hiểm và các khoản khấu trừ sẽ giảm.

Những người ủng hộ đảng Cộng hòa cho biết, ưu diểm của Trumpcare là sử dụng nguồn vốn từ thị trường dưới dạng tín dụng thuế hoàn lại để cung cấp các dịch vụ y tế, thay vì sử dụng sự kiểm soát của chính phủ như đạo luật của Obama.

Các khoản tín dụng thuế có thể hoàn lại tính theo tuổi và thu nhập của một người được giới thiệu nhằm giúp một người mua bảo hiểm khi họ không có việc làm. Những người dưới 30 tuổi được nhận 2.000 USD/năm, còn những ai trên 60 tuổi có thể lĩnh 4.000 USD/năm tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, điều này có nghĩa là thu nhập nội địa sẽ được đem chi trả cho những người không phải trả những khoản tiền thuế đó. Thậm chí, những khu vực giàu có nhất của xã hội cũng không phù hợp cho việc sử dụng kiểu tín dụng thuế.

Trumpcare cũng không có nhiều hạn chế về số tiền tiết kiệm cho việc chăm sóc sức khỏe. Người Mỹ giờ đây có thể tăng gấp đôi số tiền mà họ có thể tiết kiệm được trong tài khoản tiết kiệm y tế, trong khi trước đây Obamacare đặt ra giới hạn cho điều này.

Người Mỹ cũng không còn bị buộc phải có bảo hiểm, và những người chủ doanh nghiệp cũng không bị buộc phải đóng bảo hiểm cho lao động, theo Telegraph.

Đối với Obamacare, những người có đủ điều kiện mà không mua bảo hiểm sẽ phải nộp phạt và buộc các công ty lớn phải mua bảo hiểm cho nhân viên. Trumpcare xóa bỏ tiền phạt nhưng nếu người mua ngưng đóng tiền bảo hiểm từ 63 ngày trở lên, khi mua lại, họ sẽ phải trả thêm 30%.

Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm sẽ được tự do đặt mức giá, thay vì bị giới hạn ở mức thấp hơn trong Obamacare. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa người cao tuổi có thể phải trả gấp 5 lần số tiền bảo hiểm mà khách hàng trẻ tuổi phải đóng.

Phe Dân chủ cho rằng, kế hoạch về đạo luật chăm sóc sức khỏe mới của ông Trump sẽ làm tổn thương người Mỹ bằng cách buộc họ phải trả nhiều tiền hơn cho chăm sóc sức khỏe vì lợi ích của các công ty bảo hiểm, nhưng lại được chăm sóc ít hơn.

vi sao trump quyet dap do obamacare Trump ăn mừng khi Obamacare bị 'khai tử'
vi sao trump quyet dap do obamacare Phe cộng hòa rút dự luật y tế của Trump
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.