Victory Capital lỗ trăm tỷ sau một năm rời nhóm Tập đoàn Dầu khí, dự kiến đẩy mạnh thu hồi công nợ

Một năm sau khi Tập đoàn Dầu khí rút vốn và tái cơ cấu mô hình hoạt động, Victory Capital (tên cũ: Petroland) lỗ sau thuế hơn 115 tỷ đồng, là khoản lỗ sâu thứ hai kể từ năm 2010 đến nay.

Lỗ hơn 115 tỷ đồng sau một năm rời nhóm Tập đoàn Dầu khí

Báo cáo tài chính của CTCP Victory Capital (mã chứng khoán: PTL) cho thấy, quý IV/2022, công ty lỗ sau thuế hơn 68,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 3,3 tỷ đồng. 

Công ty cho biết, kết quả này là do trong quý, công ty đã trích lập gần 68,3 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp. 

Doanh thu thuần trong quý đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ do trắng doanh thu chuyển nhượng bất động sản, mảng đóng góp chính vào doanh thu cùng kỳ. Tổng doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên kết quả kinh doanh lỗ. 

 KQKD năm 2022 của Victory Capital. (Nguồn: Hiền Minh tổng hợp từ BCTC). 

Lũy kế năm 2022, công ty đạt doanh thu thuần 61,7 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2021. Khoản lỗ sau thuế ghi nhận 115,6 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 15,4 tỷ đồng.

Đây cũng là khoản lỗ sau thuế sâu thứ hai kể từ khi Victory Capital chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2010 đến nay, sau khoản lỗ hơn 138 tỷ đồng vào năm 2013. 

Như vậy, công ty đã không thực hiện được kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra cho năm 2022 là 86,21 tỷ đồng. Kế hoạch này tương đương cao gấp 5,6 lần con số thu được năm 2021 và được Đại hội đồng cổ đông công ty thông qua vào đầu năm 2022. 

Chủ tịch HĐQT Victory Capital cũng từng cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, công ty đặt ra kế hoạch tăng trưởng tốc độ trung bình tối thiểu 200%/năm về doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Khi đó, công ty vừa đổi tên từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (hay Petroland) thành Victory Capital như hiện tại, đồng thời chính thức hoạt động theo mô hình mới sau sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

Trước đó, vào cuối năm 2021, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 36,01% vốn và rút các nhân sự PVC khỏi ban lãnh đạo Victory Capital (khi đó là Petroland). 

Kế hoạch đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ trong năm 2023

Số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo hợp nhất của Victory Capital là gần 539 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cũng là nguyên nhân Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chuyển cổ phiếu PTL của công ty từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo kể từ ngày 12/7/2022. 

Mới đây, công ty đã có văn bản gửi HOSE để giải trình phương án khắc phục. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, công ty sẽ tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng, đối tác cũng như các dự án mới để tăng doanh thu hàng năm, đảm bảo có lợi nhuận để bù đắp lỗ các năm trước. 

Bên cạnh đó, công ty sẽ tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Công ty cho biết thêm, hiện đang khởi kiện một số công ty có số dư nợ phải thu lớn để thu nợ.

Tại ngày 31/12/2022, nợ xấu của Victory Capital có giá gốc gần 138,5 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó, giá trị có thể thu hồi là hơn 5,5 tỷ đồng, tương đương gần 4% giá gốc. 

 Nguồn: BCTC. 

Trong năm 2022, công ty được hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 1,3 tỷ đồng, song trích lập thêm 68,3 tỷ đồng. Do đó, tại thời điểm cuối năm, tổng dự phòng nợ phải thu khó đòi đạt 133 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm.

Ngoài nợ xấu, Victory Capital cũng có các khoản phải thu từ khách hàng, từ khoản trả trước cho người bán hơn 150 tỷ đồng, đồng thời phải thu khác hơn 305 tỷ đồng từ hợp tác đầu tư, tạm ứng…

Tổng các khoản phải thu của công ty tại ngày 31/12/2022 là gần 360 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản doanh nghiệp (666 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm). 

 

chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.