Hôm nay, 30/6, Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã diễn ra với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm VPCP, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Hội nghị có chủ đề "Cải cách qui định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA". Ông Nicolas Audier nhấn mạnh để EVFTA đi vào hiệu lực, điều quan trọng là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi.
Trong đó, có việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.
"Quan trọng hơn nữa là những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp", ông Nicolas Audier nêu ý kiến.
Khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8, một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lí hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lí.
Ông Nicolas cho biết đó là lí do EuroCham xuất bản Sách Trắng (ấn bản thứ 12) là nhằm chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Và ông Nicolas cũng cho hay trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU - những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định cải cách thủ tục hành chính giữu vai trò thiết yếu trong thực thi Hiệp định EVFTA. Ấn phẩm Sách Trắng đã phản ánh một cách thực chất những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Dũng cũng cho biết, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời, xác lập "trạng thái bình thường mới", quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Cũng tại hội nghị, ông Dũng đã đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hết sức hoan nghênh và khuyến khích các đại biểu hiến kế trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các rào cản đó.
Về phía Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, sẽ tổng hợp quá trình đối thoại để sau Hội nghị phối hợp với EuroCham tại Việt Nam hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan tới nền kinh tế Việt Nam, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lí hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lí hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kì Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm.
Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 đi vào hoạt động, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 03 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỉ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm.