Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu thịt heo từ Mỹ?

Giá thịt heo tăng trong khi nguồn cung giảm, thị trường ghi nhận những áp lực về nhu cầu nhập khẩu loại thực phẩm này, đặc biệt từ thị trường Mỹ.
Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu thịt heo từ Mỹ? - Ảnh 1.

Thịt heo nhập khẩu tại siêu thị. (Ảnh minh hoạ: TL).

Giá heo hơi trong nước tăng mạnh tuần qua nhưng ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói rằng: “Vẫn trong kiểm soát”.

Nguồn cung thịt heo không còn dồi dào bởi ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi, nguyên nhân khiến giá heo hơi trong nước có xu hướng tăng và tăng mạnh trong tuần này. Dù không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước, nhưng giá heo hơi đã đạt mức 55.000 đồng/kg tại các tỉnh miền Bắc và 40.000 đồng/kg ở các tỉnh miền Nam.

Hồi tháng 7, giá heo hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 36.000 - 39.000 đồng/kg, tại miền Trung khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg và miền Nam dao động trong khoảng 28.000- 31.000 đồng/kg, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

“Dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng lên vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9”, ông Dương nói và phân tích: "Giá heo của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Hiện tại, giá heo tại Trung Quốc và Campuchia, tính sang tiền Việt Nam, đều trên 60.000 đồng/kg".

Giá thịt heo của Việt Nam đang có xu hướng tăng với giá bán dần tiệm cận với các quốc gia trong khu vực, trong bối cảnh nguồn cung giảm.

Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn heo, lượng đàn heo tiêu hủy chiếm khoảng 15%. Trường hợp thiếu thịt heo, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà.

Mặc dù, nguy cơ phải nhập khẩu là không lớn như nhận định của Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhưng việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt heo từ Mỹ có thể dẫn đến khả năng Mỹ tăng xuất khẩu thịt heo vào Việt Nam.

Nếu khả năng này xảy ra, theo ông Dương, lượng nhập khẩu cũng không lớn. Ông cho biết, Việt Nam đang nhập thịt heo từ gần 10 quốc gia, chủ yếu là Brazil, Pháp, Cananda, Úc và Ba Lan, còn nhập khẩu từ Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ.

Việc tăng nhập khẩu thịt heo, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt heo nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt heo sản xuất trong nước là chính.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 7/2019 ước đạt 63 triệu đô la Mỹ, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 388 triệu đô la, tăng 6,3% so với cùng kì năm 2018.

Sáu tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ heo đạt 38,1 triệu đô la, tăng 96,4% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu sang Hong Kong và Trung Quốc tăng mạnh, với sản phẩm chính là heo sữa đông lạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đến cuối năm sẽ không tăng nhiều do lượng hàng xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế, khó cạnh tranh với các thị trường cung cấp khác như Mỹ, Canada, Brazil...


chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.