Vĩnh Long duyệt quy hoạch Khu công nghiệp Bình Tân 400 ha giáp QL54

Khu công nghiệp Bình Tân có quy mô diện tích 400 ha. Dự báo số công nhân, người lao động cho khu công nghiệp khoảng 13.660 người.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Bình Tân, huyện Bình Tân.

Dự án được quy hoạch tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, có quy mô diện tích 400 ha.

Phía bắc giáp đất dân và đất quy hoạch khu tái định cư và nhà ở công nhân của khu công nghiệp; phía nam giáp đất dân và quốc lộ 54; phía đông giáp đất dân ven kênh Hai Quý; phía tây giáp giáp đất dân và quốc lộ 54.

Vĩnh Long duyệt quy hoạch Khu công nghiệp Bình Tân 400 ha giáp QL54 - Ảnh 1.

Bản đồ quy hoạch Khu công nghiệp Bình Tân. (Ảnh: vinhlong.gov.vn).

Ngành nghề hoạt động chính trong khu công nghiệp gồm chế biến nông sản - thực phẩm, chế biến rau quả và các sản phẩm từ trái cây; chế biến thủy sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp lắp ráp điện tử, bao bì, công nghiệp dược phẩm - mỹ phẩm; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; kho bãi, dịch vụ…

Dự báo số công nhân, người lao động cho khu công nghiệp khoảng 13.660 người.

Mục tiêu lập quy hoạch Khu công nghiệp Bình Tân nhằm tạo cơ sở pháp lý về quy hoạch để triển khai thực hiện dự án, đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng, giới thiệu địa điểm đầu tư cũng như thu hút đầu tư.

Về quy hoạch sử dụng đất, Khu công nghiệp Bình Tân gồm các khu chức năng chủ yếu: Khu nhà máy, xí nghiệp, kho tàng có diện tích khoảng 280 ha. Trong phần đất các xí nghiệp, nhà máy bố trí các lô đất có diện tích từ 2 ha đến 6,18 ha. Mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa 7 tầng.

Khu điều hành, dịch vụ rộng khoảng 6,2 ha, bố trí nằm tại lối vào chính và tại hai bên trục đường nối từ quốc lộ 54 vào khu công nghiệp. Mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa đối với khu điều hành là 7 tầng, đối với khu dịch vụ là 5 tầng.

Khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật có diện tích khoảng 4,44 ha, gồm những công trình cung cấp và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật.

Khu bến thủy nội địa có diện tích khoảng 2,78 ha, được bố trí bên bờ sông Hậu là khu bến hàng hóa chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp.

Khu cây xanh diện tích khoảng 41,38 ha. Khu mặt nước rộng 6,12 ha, bao gồm kênh thoát nước tưới tiêu và rạch Chân Rít.

Đất giao thông có quy mô 59,57 ha. Đường N4, D3, D6 là đường trục chính kết nối khu công nghiệp với quốc lộ 54, lộ giới 43 m. Đường N2, D1, D2, D4, D5 có lộ giới 27 m. Các đường còn lại ký hiệu N3, N5, N6, N7 lộ giới 20 m.

Ngoài ra, dự kiến sẽ bố trí khu tái định cư và nhà ở cho công nhân nằm giáp ranh phía tây bắc của khu công nghiệp với quy mô hơn 32 ha.

Đầu tháng 11 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư khu công nghiệp Đông Bình, thị xã Bình Minh (giai đoạn 1).

Mục tiêu đầu tư nhằm bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Bình và dự án Khu tái định cư Khu công nghiệp Đông Bình, phát triển khu dân cư, chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 90.000 m2, dự kiến được bố trí thành 8 khu tách biệt, bố trí khoảng 390 nền

Đây là công trình nhóm B, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Bình Minh quản lý, có tổng mức đầu tư 223 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.