VNDirect: Tình hình ngành thép đã được cải thiện trong quý I, gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý II

Theo VNDirect, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I tích cực nhờ giá bán thép phục hồi và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Song, nhu cầu thép được dự báo vẫn sẽ yếu trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của các công ty trong ngành có thể vẫn sẽ gặp nhiều biến động.

Lợi nhuận hồi phục nhờ giá bán tăng và hoàn nhập dự phòng 

Trong báo cáo về Ngành thép của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cho rằng, tình hình ngành thép đã được cải thiện trong quý I vừa qua và gần như chắc chắn sẽ có lãi trong quý II. 

Theo thống kê từ VNDirect, tất cả các công ty đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Song, nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm nay và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép, trong quý I, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đều ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ, song, đã được cải thiện đáng kể về mặt lợi nhuận so với 2 quý trước đó. 

VNDirect cho rằng, xu hướng này đến chủ yếu do tổng sản lượng tiêu thụ thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) trong quý I đã giảm 29,2% so với cùng kỳ từ mức nền cao của quý I/2022, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Bên cạnh đó, giá bán thép tại quý I giảm so với cùng kỳ, song, đã tăng đáng kể so với mức trung bình của quý IV/2022.

Song song với đó, việc giá bán thép tăng cũng giúp nhiều doanh nghiệp trong quý I ghi nhận hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này, 6/7 doanh nghiệp thép mà VNDirect theo dõi (Hòa Phát, Thép Nam Kim, Hoa Sen, SMC, Gang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Đức, Thép Tiến Lên) đều ghi nhận lỗ ròng. 

(Nguồn: VNDirect)

Ngoài ra, chí phí lãi vay trong quý I tăng mạnh so với cùng kỳ phản ánh chi phí vốn tăng. Tỷ giá diễn biến thuận lợi hơn và việc chủ động giảm các khoản vay ngoại tệ cũng giúp các công ty hạn chế khoản lỗ ròng tỷ giá so với 2 quý cuối năm 2022. 

VNDirect kỳ vọng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép trong quý II sẽ tiếp tục được cải thiện so với quý trước đó. Song, việc nhu cầu thép được dự báo vẫn sẽ yếu trong các tháng tới, biên lợi nhuận của các công ty trong ngành có thể vẫn sẽ gặp nhiều biến động, đặc biệt là nhóm công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.

Triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép trong nước

Nói về nhu cầu thép tại Việt Nam, VNDirect cho biết, triển vọng ngành bất động sản (BĐS) dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60 - 65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. 

Nhu cầu của ngành thép Việt Nam. (Nguồn: VNDirect).

Kể từ quý II/2022, ngành BĐS nội địa chững lại sau hàng loạt sự kiện bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp BĐS lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.

Các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành BĐS đã dần xuất hiện thời gian gần đây, hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường BĐS được ban hành kể từ đầu năm nay. Song, hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm, điển hình từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã gặp nhiều vấn đề bất cập. 

VNDirect cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu có “rã đông” khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngõ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

“Chúng tôi tôi tin rằng các chính sách ban hành như trên có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên, cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi”, chuyên viên từ VNDirect nhận định.

Do đó, VNDirect kỳ vọng nguồn cung BĐS nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. 

Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm nay. Do đó, dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ giảm vào năm nay. 

Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng/tôn mạ của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm lần lượt 9,2%/7% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn/3,9 triệu tấn.

chọn
[Photostory] Một doanh nghiệp sắp làm dự án nhà ở trên khu đất 2,7 ha cạnh Vinhomes Smart City
Dự kiến từ tháng 5/2024, Confitech sẽ bắt đầu GPMB để triển khai xây dựng Khu nhà ở Tây Mỗ tại quận Nam Từ Liêm để hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Khu đất dự án này có quy mô 2,7 ha, nằm tiếp giáp khu liền kề của Vinhomes Smart City