Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là nhà tâm lí học, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Nữ tiến sĩ gửi đến Zing.vn bài viết nêu quan điểm về phim Vợ ba dựa trên góc nhìn của xã hội và tâm lí học.
Có lẽ ít có bộ phim Việt nào gây nhiều tranh luận trái chiều như Vợ ba. Một chiều thì bức xúc về việc đạo diễn Nguyễn Phương Anh dùng một bé gái 13 tuổi để đóng các cảnh “nóng”, chiều kia thì bảo vệ bộ phim vì những "giá trị nghệ thuật" của nó và lên án những người phản đối rằng họ đang “giết chết” dòng phim nghệ thuật của Việt Nam.
Cả hai chiều đều có cả những phân tích bình tĩnh cũng như những lời thóa mạ, hằn học. Hóa ra phim được nhiều giải thưởng không hẳn là phim được nhiều người chấp nhận.
Trong Vợ ba, đạo diễn Nguyễn Phương Anh không sử dụng diễn viên đóng thế để thay cho cô bé 13 tuổi trong những cảnh tình dục.
Là người nghiên cứu về giới - tình dục và vận động cho bình đẳng giới - quyền của phụ nữ tôi luôn ủng hộ cách nhìn cởi mở về tình dục, nhất là tình dục của phụ nữ. Tuy nhiên, tôi sốc khi xem phim Vợ ba.
Tôi không sốc vì những cảnh “nóng” trong phim. Vì nếu so về độ “nóng” thì đó không phải là những cảnh nóng nhất trong các bộ phim được công chiếu tại Việt Nam mà tôi từng xem.
Nhưng tôi thực sự sốc về việc người ta dạy cháu bé diễn viên 13 tuổi cách thể hiện sự khao khát tình dục (ánh mắt, cặp môi...), cách tự thoả mãn.
Họ còn để cháu tham gia trực tiếp vào những cảnh gợi dục kì quái (để trứng sống trên bụng cháu cho nam diễn viên đóng vai người chồng húp) hay thực hiện những tư thế mà tôi thấy là vô cùng gợi dục (bò tứ chi trên nền nhà về phía người chồng)...
Mục đích bộ phim là phản ánh về thân phận bèo bọt của người phụ nữ - nạn nhân của tảo hôn, đa thê, gia trưởng và bạo lực. Song tôi e rằng cách dựng một số cảnh về đời sống tình dục của đứa trẻ 14 tuổi và mối quan hệ giữa những người vợ trong một gia đình đa thê ở làng quê Việt Nam thế kỉ 19 như vậy đã khiến bộ phim không đạt được mục đích của nó.
Ngược lại, nó khiến cho người xem quan ngại vì dường như nó thi vị hóa tình dục với trẻ em và mối quan hệ của gia đình đa thê. Tôi tin rằng không phải một mình tôi nghĩ như vậy.
Tôi không phản đối những cảnh nóng, thậm chí có thể nóng hơn, nếu điều đó là cần thiết cho bộ phim và nếu chúng được thể hiện bởi các diễn viên đã trưởng thành tự nguyện tham gia.
Cảnh Mây (do nữ diễn viên 13 tuổi thủ vai) thể hiện tình cảm đồng giới với Xuân (do Maya) đóng.
Tôi cứ tự hỏi tại sao bộ phim không sử dụng diễn viên đủ 18 tuổi trở lên được hóa trang cho phù hợp với độ tuổi của nhân vật hoặc sử dụng các thủ pháp ước lệ sao đó để cháu không phải thực hiện những cảnh này.
Theo dõi những tranh luận về bộ phim tôi thấy không ai chê cốt truyện, không ai chê nghệ thuật quay phim. Cũng không ai phàn nàn về các cảnh nóng trong phim. Điều duy nhất bị nhiều người phản đối là dùng một đứa trẻ 13 tuổi để thể hiện các cảnh đó.
Những ai thắc mắc tại sao 13 tuổi lại không phù hợp cho các cảnh đó, hoặc lập luận rằng cháu tự nguyện, cháu thoải mái tham gia… hãy đọc luật Dân sự để biết rằng đứa trẻ dưới 18 tuổi chưa được coi là có đủ năng lực hành vi dân sự, nghĩa là chưa đủ trưởng thành khi đưa ra quyết định quan trọng.
Lí do mà đoàn làm phim Vợ ba để biện minh cho việc bé gái chưa đến 13 tuổi đóng cảnh nóng là khó chấp nhận.
Do vậy, lí do cháu bé 13 tuổi tự nguyện đóng các cảnh để lộ thân thể và quan hệ tình dục mà nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đưa ra là khó chấp nhận. Sở dĩ luật quy định như vậy là để người lớn có trách nhiệm với trẻ em hơn, đảm bảo để không xảy ra những tình huống khiến trẻ đưa ra những quyết định mà sau này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời của cháu.
Do vậy, việc mẹ cháu bảo lãnh để cháu thực hiện các cảnh đó cũng khó thuyết phục. Vì đây là tình huống đặc biệt, hậu quả có thể không xảy ra ngay lập tức và không mang tính vật chất mà chủ yếu là những ảnh hưởng về tâm lí và nhân cách, người chịu tác động trực tiếp, lâu dài là cháu chứ không phải mẹ cháu.
Bộ phim có thể được nhiều giải thưởng. Song liên hoan phim là sự kiện của giới chuyên môn, các giải thưởng chủ yếu phản ánh trình độ kĩ thuật và nghệ thuật làm phim. Còn công chiếu là câu chuyện khác. Đó là vấn đề xã hội.
Việc bộ phim được nhiều giải thưởng quốc tế không có nghĩa là nó sẽ được khán giả trong nước tự động chấp nhận. Mọi người có quyền lo lắng về việc những cảnh nóng với một đứa trẻ 13 tuổi được phổ biến rộng rãi cho công chúng, trong đó có trẻ em và những kẻ đồi bại.
Những cảnh cuối của bộ phim: một cô bé bị từ hôn treo cổ tự tử, một cô bé khác cắt tóc, nhân vật chính - người mẹ 14 tuổi - một tay ôm đứa con khóc ngằn ngặt, tay kia quờ cây lá ngón, thật ám ảnh.
Những cảnh đó có thể là sự thật, và không phải chỉ là câu chuyện ngày xưa. Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng lo ngại, đau đớn vì nạn tự tử của thanh thiếu niên, công chiếu bộ phim với một kết thúc như vậy quả là một quyết định vô cùng mạo hiểm.
Giải trí 08:00 | 26/05/2019
Giải trí 20:42 | 24/05/2019
Giải trí 18:01 | 23/05/2019
Giải trí 16:01 | 23/05/2019
Giải trí 09:13 | 23/05/2019
Giải trí 06:05 | 23/05/2019
Giải trí 18:00 | 22/05/2019
Giải trí 15:44 | 22/05/2019