Liên quan đế sự việc người vợ chém chết kẻ trộm đột nhập vào nhà sát hại chồng xảy ra tại huyện Cần Giuộc (Long An) hôm 11/3, dư luận thắc mắc rằng liệu người vợ chém chết tên trộm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) để làm rõ hơn về vấn đề trên.
Theo đó, LS Trần Thu Nam bày tỏ quan điểm: "Hiện tại chúng ta mới căn cứ vào lời khai của người vợ, cơ quan chức năng chưa chứng minh được lời khai đó có phải là sự thật hay không?
Tuy nhiên, qua các lời khai, cộng thêm những diễn biến tại hiện trường của vụ án thì theo tôi là có căn cứ. Bởi, hậu quả xảy ra khiến người chồng và tên trộm đều tử vong".
Luật sư Trần Thu Nam (Ảnh: NVCC).
Vị LS cho rằng, tên trộm đã có hành vi xâm phạm chỗ ở, thậm chí còn chuẩn bị hung khí nguy hiểm để đột nhập vào nhà ở của người khác trong đêm, sau đó thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Khi bị vợ chồng gia chủ phát hiện truy hô, thì tên trộm liều lĩnh dùng hung khí mang theo để tấn công khiến người chồng tử vong tại chỗ.
Lúc này, người vợ đã ôm con nhỏ mới một tuổi bỏ chạy, nhưng hung thủ không buông tha mà tiếp tục cầm hung khí để truy sát hai mẹ con. Bị hung thủ đâm trúng, người vợ may mắn nhặt được hung khí khác rồi quơ tay về sau đâm trúng hung thủ khiến đối tượng gục tại chỗ.
"Hành vi của tên trộm được xem là đặc biệt nguy hiểm, đã cấu thành tội Giết người, theo Điều 123 BLHS năm 2015.
Người vợ trong lúc ôm con nhỏ chạy trốn khỏi sự truy sát của tên trộm đã nhặt được một hung khí để chống trả sự truy sát. Việc chống trả để bảo vệ cho tính mạng của bản thân và của con mình trong trường hợp này là rất cần thiết. Đây là phòng vệ chính đáng, đúng với quy định của pháp luật.
Người dân xã Thuận Thành tập trung tại hiện trường theo dõi vụ việc. (Ảnh: Báo Long An)
Nếu không chống trả thì sẽ có một vụ án thảm sát đau lòng đã xảy đến. Vì vậy, người vợ gây ra cái chết cho tên trộm trong vụ án này theo tôi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", LS Nam khẳng định.
Tuy nhiên, LS Trần Thu Nam cũng cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng (2 người chết), nên cơ quan điều tra vẫn nên khởi tố vụ án để điều tra, xác minh.
"Khởi tố vụ án để điều tra một cách toàn diện, nếu đúng như lời khai của người vợ, sau khi có kết luận thì cơ quan điều tra sẽ có các quyết định tiếp theo vì không có đồng phạm, kẻ có hành vi phạm tội cũng đã chết", vị LS nói thêm.
Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Bên cạnh đó, hướng dẫn của TAND tối cao cũng quy định: "Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng".