Vợ con ở trọ, chồng tôi vay tiền xây nhà hoành tráng bỏ không ở quê

Tết rồi ai cũng mừng gia đình tôi có nhà cao cửa rộng nhưng mấy ai biết giờ chúng tôi phải chui rúc ở nơi chật chội thế nào.  

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Bích Xuân, 38 tuổi, đang sống ở Hà Đông, Hà Nội về chuyện nhà cửa của gia đình mình:

Vợ chồng tôi quê Bắc Giang, ra Hà Nội làm ăn gần chục năm. Chúng tôi bán hàng thực phẩm, mỗi tháng cũng kiếm vài chục triệu. Cả gia đình 5 người vẫn ở thuê trong hai phòng trọ tổng diện tích chỉ hơn 40m2.

Nhiều lần tôi bàn chuyện mua mảnh đất hay căn nhà trả góp để có nơi ở ổn định, khỏi khổ sở mỗi lần chuyển nhà nhưng chồng gạt đi. Anh khăng khăng muốn tập trung tiền để xây một ngôi nhà to, đẹp ở quê vì mình là trai trưởng, mỗi dịp lễ, Tết hay tập trung đông người. Ngôi nhà cấp 4 cũ ở đó vẫn sử dụng tốt, thỉnh thoảng có mẹ chồng tôi về vài hôm vì bà chủ yếu vẫn ở Hà Nội cùng con cháu.

Năm ngoái, chồng tôi đã quyết xây ngôi nhà kiểu biệt thự vườn cao ba tầng, rộng hơn trăm mét vuông ở quê. Ròng rã suốt hơn 8 tháng trời anh ấy đi đi lại lại về quê để cập nhật tiến độ xây dựng (chúng tôi nhờ chú em giám sát, lo lắng mọi việc), nên mọi chuyện buôn bán, lo toan con cái ngoài này dồn lên vai tôi. Công trình hoàn thành tiêu tốn hơn một tỷ đồng thì chúng tôi chỉ có 400 triệu, phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng 500 triệu, còn lại hơn 300 triệu là anh em họ hàng mang tới cho mượn.

Mọi người ở quê ai cũng nghĩ chúng tôi làm ăn ở Hà Nội khấm khá, cuộc sống sung túc lắm nhưng sự thật không phải vậy. Sáng sáng, chúng tôi phải dậy từ 4h đi lấy hàng, chợ búa tất bật nhiều khi không kịp ăn trưa, ăn tối. Mỗi tháng tiền thuê nhà hết 4 triệu, các con tốn ít nhất 5 triệu tiền học chính, học thêm, thuê người đưa đón. Thêm khoản ăn uống, điện nước, gửi ma chay hiếu hỉ, đi lại về quê thì tháng nào chúng tôi cũng chi trên 20 triệu đồng.

Chuyện xây nhà ở quê chồng tôi đã ấp ủ từ lâu. Mặc dù vẫn có ý định sẽ làm ăn ở thủ đô, cho con cái học hành tại đây và chỉ về quê dưỡng già, anh nhất quyết phải xây cơ ngơi tại quê trước. Anh nói rằng làm vậy để mẹ vui, thuận tiện lễ Tết và mỗi lần về chúng tôi về cũng được hưởng, sau này làm ăn ở thành phố không tốt thì quay về chẳng phải lo lắng gì.

Tôi thì chỉ thấy việc này là nặng nợ. Bây giờ có nhà nhưng chúng tôi vẫn phải mất tiền thuê nơi ở tại một nơi chật chội, ẩm thấp. Việc mua nhà Hà Nội sẽ càng trở nên xa vời hơn khi hằng tháng vợ chồng phải nai lưng ra làm để trả tiền gốc, lãi ngân hàng rồi dành dụm trả dần những món vay người thân.

Sau Tết, nhà ở quê đóng cửa bỏ không, chúng tôi lại phải nhờ một người chị chồng thỉnh thoảng sang trông nom, quét dọn. Ngôi nhà đó một năm gia đình tôi về chưa tới chục lần, thường chỉ ở hôm trước hôm sau đi, việc lau dọn 3 tầng thênh thang không dễ dàng gì.

Cuối năm vừa rồi, được bao nhiêu tiền hàng, chồng tôi dồn hết sắm đồ đạc cho nhà mới. Có nhà to, đẹp hơn nên chồng bảo tôi cũng phải mua sắm nhiều hoa, đồ trang trí Tết cho xứng tầm. Như mọi năm, chồng tôi vẫn phóng tay mừng tuổi người già tiền trăm, trẻ nhỏ cũng 50-100 nghìn. Không hiểu anh có nghĩ tới chuyện ra Tết còn chưa có tiền đóng học cho các con hay không.

Trước khi quay lại thành phố, nhà tôi lại mời vài chục người tới ăn uống. Ai nấy đều hồ hởi mừng căn nhà khang trang, chúc năm mới làm ăn tấn tới. Tôi không vui, chỉ cảm giác mệt mỏi và thấy như đang phải diễn vở kịch trong héo ngoài tươi. Tôi không muốn gây gổ gì với chồng dịp năm mới nhưng có lẽ cũng không thể chịu mãi được cuộc sống kiểu phải è cổ ra làm mà chẳng được hưởng gì cho bản thân mà chỉ để "lấy le" với họ hàng, làng xóm.

Theo chuyên viên tài chính cá nhân gia đình Bội Lê (TP HCM), nên phân biệt xem ngôi nhà là tài sản hay tiêu sản trước khi quyết định xây hoặc mua. Nghĩa là, khi xây/mua xong thì căn nhà đó làm tăng tài sản bạn có hay khiến bạn phải tốn tiền cho nó.

Trong trường hợp chia sẻ trên, căn nhà là một dạng tiêu sản vì nó làm người chủ nghèo đi, nhất là khi họ phải vay nợ khá nhiều để xây dựng.

Chuyên gia cho rằng, nhiều người sai lầm khi nghĩ tất cả các loại bất động sản đều là của để dành và dồn lực tài chính vào ngôi nhà. Miếng đất để trống có thể là của để dành nhưng vay mượn xây nhà lên - nhất là khi không sử dụng thường xuyên và vẫn phải đi thuê nơi ở, thì cái nhà là tiêu sản.

Một số người có thể lý luận rằng việc xây, mua nhà đó mang lại ý nghĩa về mặt tinh thần, khiến người chủ nhà có cảm giác hãnh diện, được nể trọng. Nhưng điều này lại đi ngược với tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý Mỹ nổi tiếng. Theo tháp này, nhu cầu của con người gồm năm thứ bậc từ thấp tới cao là: 1-sinh tồn (không khí để thở, nước uống, thức ăn, sinh lý); 2- được an toàn; 3- yêu và được yêu thương; 4- được tôn trọng; 5- thể hiện mình. Như vậy, chừng nào đảm bảo đủ nhu cầu thiết yếu thì mới nên đáp ứng các nhu cầu khác.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.