Hình ảnh này từng gây "bão" mạng khi nhắc đến tập tục "ăn cỗ lấy phần" ở Nam Định. (Ảnh: FBVN).
Trước đây, xuất phát từ sự nghèo đói, chỉ đến khi có cỗ người ta mới biết đến miếng ngon, nên mỗi khi đi đám cưới, cha mẹ thường “bóp mồm bóp miệng” để lấy phần về cho con cái ở nhà.
Trong ký ức của thế hệ 7X, 8X, đám cưới ở làng quê tuy nghèo nhưng vui vì, trẻ con háo hức đi “xem cô dâu”, nhặt pháo tịt; người lớn thì từ chiều hôm trước đã đến từng nhà trong làng để mượn bàn ghế, mâm, bát đĩa,… tình làng nghĩa xóm cũng được gây dựng nên từ những công việc giúp góp như vậy.
Nhưng có một thứ không thể thiếu, đó là đám con trẻ chờ người lớn đi ăn cỗ cưới về sẽ có "phần' mang về, có thể là vắt xôi, khoanh giò, miếng thịt lợn,…
Điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của những người đi ăn cỗ với những người ở nhà, người Nam Định coi đó là một tập tục tốt đẹp, thậm chí những năm trước trên các trang mạng xã hội còn lan truyền bài thơ được cho là của tác giả Thành Bùi, bài thơ “thanh minh” cho việc “ăn cỗ lấy phần” của người Nam Định.
Bài thơ như sau:
“Quê tôi ăn cỗ lấy phần
Người ta thấy lạ phân vân rồi cười
Ai xa cố gắng về chơi
Ở lâu mới biết con người thành Nam.
Chịu thương chịu khó ham làm
Biết nhường biết nhịn chẳng tham bao giờ
Cái thời còn đói khổ cơ
Mẹ đi ăn cỗ con chờ, chồng mong
Quanh năm vất vả long đong
Chạy ăn bữa trước phải phòng bữa sau
Cả làng đâu có ai giàu
Có công có việc giúp nhau tận tường
Mẹ ,cha biển rộng tình thương
Ăn khoai với sắn cơm nhường phần con
Đi đám mà có miếng ngon
Không ăn gói lại dành con ở nhà
Cũng theo truyền thống thôi nha
Miếng xương phần mẹ thịt là của con
Nghèo nhưng đạo nghĩa vuông tròn
Tình cha nghĩa mẹ héo hon mặn nồng
Nghĩ xem có đáng cười không?
Đau lòng cha mẹ có công nuôi mình
Ai chẳng muốn đẹp muốn xinh
Lấy phần không xấu là tình thương thôi
Giờ thì chắc bạn hiểu rồi
Quê mình có cỗ tớ mời về ăn…”
Một đám cưới tại huyện Nghĩa Hưng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngày nay cuộc sống đã khấm khá, cái ăn cái mặc không còn thiếu thốn như xưa, nên cần phải bỏ tập tục này.
“Lần đầu về quê chồng ăn cỗ cưới, hơi ngạc nhiên là các bà các cô chỉ ăn miến và rau, không ai động đến giò và thịt gà. Đến cuối bữa mọi người chia nhau thì mình mới hiểu vì sao trên mâm cỗ lại có 6 cái túi bóng.
May mà mình không ăn miếng giò thứ hai, nếu không thì không biết 5 bà sẽ chia nhau ra sao với 4 miếng giò còn lại.” chị Lan Nguyễn (Hà Nội) chia sẻ trên một fanpage của cộng đồng những người Nam Định.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, một người dân sống ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu cho biết, việc chính quyền địa phương cấm lấy phần khi ăn cỗ ban đầu vấp phải sự phản đối của người dân, nhưng giờ đây người dân đã chấp nhận và thấy đó là quyết định đúng đắn.
“Nếu không cấm, nhà nọ nhà kia đua nhau làm cỗ to sẽ trở thành một áp lực cho chủ nhà. Hơn nữa, người dân đi ăn cỗ sẽ nhìn vào mâm cỗ để ghi sổ (người dân nơi đây có thói quen “ghi sổ” thay vì đưa phong bì – PV), nếu gia chủ làm cỗ to cũng sẽ là áp lực cho khách mời ở một vùng quê thuần nông như Hải Hậu,” ông Hiếu nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc này không có gì phải xấu hổ, thậm chí đó là một hành vi… văn minh, không ăn hết thì lấy phần về, như thế thức ăn thừa không bị lãng phí.
“Ở Hà Nội người ta vẫn đem đồ ăn thừa về mỗi khi đi nhà hàng. Việc bỏ thừa thức ăn được coi là một sự lãng phí, đó mới là không văn minh”, anh Mạnh Hùng, một người quê Nghĩa Hưng, Nam Định nói.
Để chấm dứt “hủ tục” ăn cỗ lấy phần, một số địa phương cấp xã ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy đã ban hành quy định cấm người dân “ăn cỗ lấy phần”.
Một số xã, thị trấn tại huyện Nghĩa Hưng vận động người dân không lấy phần. Các địa phương tự đặt ra mức phạt đối với các gia đình nếu để khách lấy phần khi đến ăn cỗ.
Thậm chí, một số xã, thị trấn thuộc huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng còn tự đặt ra quy định về số mâm cỗ đối với mỗi đám cưới.
Chẳng hạn như thị trấn Quỹ Nhất (huyện Nghĩa Hưng) từng ra quy định mỗi đám cưới không quá 40 mâm cỗ.
Và để lách quy định, những gia đình có điều kiện vẫn chấp hành đúng quy định 40 mâm cỗ nhưng tổ chức ăn cỗ trong vòng… 2 hoặc 3 ngày. Do đó, quy định “đếm mâm” đã được chính quyền thị trấn bãi bỏ do không thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Văn phòng UBND huyện Giao Thủy cho biết, huyện Giao Thủy có Chỉ thị số 10 của Huyện ủy về phát động phong trào người dân thực hiện nếp sống văn minh.
Trong Chỉ thị có phần tuyên truyền, vận động người dân khi tổ chức đám cưới, đám tang làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần để tránh gây lãng phí.
Du lịch 17:58 | 06/09/2019
Đô thị 17:21 | 27/08/2019
Du lịch 15:56 | 28/07/2019
Thời sự 11:47 | 14/06/2019
Giáo dục 19:42 | 12/06/2019
Giáo dục 16:11 | 12/06/2019
Giáo dục 15:46 | 12/06/2019
Thời sự 09:41 | 04/06/2019