Chiều 29/5, phiên phúc thẩm xét xử ông Trần Phương Bình (60 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", 44 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Bào chữa cho Vũ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chỉ ra tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/5, ông Bình khai: "Để thực hiện việc tăng thêm vốn 1.000 tỉ đồng cho DAB vào năm 2014, lúc đó bị cáo hoàn toàn không dám có ý nghĩ sử dụng việc thực hiện âm quỹ để tăng vốn cho gia đình mình hoặc là những người thân bởi vì lúc đó bị cáo đã cảm thấy mình không thể xoay sở được với 400 tỉ trong việc tăng 1.000 tỉ thì rất khó. Do đó, bị cáo cố thuyết phục Vũ vẫn giữ kế hoạch tăng vốn 600 tỉ để có thể trở thành cổ đông chiến lược".
Phan Văn Anh Vũ bị áp giải. (Ảnh: Bách Hợp).
Để thực hiện việc này, ngày 17/1/2014, ông Bình đã chủ động gọi điện thoại cho Vũ với nội dung: "Anh đã thu xếp xong số tiền 200 tỉ đồng mà Công ty Bắc Nam 79 còn thiếu để có đủ 600 tỉ đồng mua cổ phần DAB".
Theo đó, luật sư Trạch cho rằng lời khai của ông Bình phù hợp với lời khai của Vũ ngày 17/1/2014. Cụ thể, Vũ khai ông Bình gọi điện thoại cho mình với nội dung: "Anh đã thu xếp xong số tiền 200 tỉ, chiều nay rảnh qua anh kí giấy nộp tiền vào tài khoản để mua cho kịp thời gian".
Đối với việc ông Bình thu xếp số tiền này như thế nào, luật sư cho rằng nguyên Tổng giám đốc DAB đã "trả lời rất rõ tại phiên tòa sơ thẩm và đặc biệt trong ngày 27/5 rằng 'do quá nôn nóng có thể thực hiện thành công việc tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỉ đồng, nên bị cáo đã có ý ứng trước 200 tỉ đồng cho Vũ để Vũ nộp vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79, nhằm kịp thời gian làm thủ tục. Trong đầu bị cáo chỉ nghĩ ứng trước giống như thu khống các trường hợp mà bị cáo đã nộp tiền mua cố phiếu'".
Theo đó, luật sư Trạch cho rằng việc ông Bình nói "đã thu xếp xong" có nghĩa là ông này đã có kế hoạch từ trước. "Phương án này xuất phát từ ý chí đơn phương của ông Bình. Còn ông Vũ hiểu đây có nghĩa là có tiền cho vay", luật sư nêu.
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Bách Hợp).
Ngoài ra, tại cấp sơ thẩm, ông Bình còn khai: "Khi làm việc trong phòng làm việc riêng của bị cáo, bị cáo không bàn bạc cũng như không cho anh Vũ biết là bị cáo lo nguồn tiền như thế nào vì bị cáo muốn cho anh Vũ nhìn thấy khả năng của DAB cũng như khả năng riêng của bị cáo".
Luật sư Trạch đánh giá lời khai này rất quan trọng, bởi nó cho thấy giữa ông Bình và Vũ không có sự cấu kết, bàn bạc việc thu khống 200 tỉ đồng.
Đồng thời, luật sư tiếp tục chỉ ra lời khai của ông Bình tại tòa sơ thẩm đã thừa nhận thực trạng của DAB vào thời điểm chào mời Công ty Bắc Nam 79 mua cổ phần là bị âm về tài chính, nợ xấu tăng cao.
Vì lí do này, ông Bình đã không thành thật trao đổi về thực trạng DAB với Vũ. Bởi nếu biết rõ hoàn cảnh trên, không riêng gì công ty của Vũ mà bất kì công ty nào khác cũng chắc chắn không tham gia vào việc mua cổ phần của DAB.
"Như vậy, ông Bình đã thừa nhận thực hiện hành vi thu khống, treo quỹ số tiền 200 tỉ đồng mà không cho ông Vũ biết mình đã làm như thế nào để có 200 tỉ chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79. Qua đó, cho thấy Vũ không cùng mục đích thực hiện tội phạm với bị cáo Trần Phương Bình", luật sư trình bày.
Luật sư cho rằng Vũ "nhôm" chỉ là bị hại. (Ảnh: Bách Hợp).
Ngoài ra, luật sư cho rằng dựa theo lời khai của Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB), đã thể hiện số tiền 200 tỉ đồng ông Bình cho Vũ vay là với tư cách cá nhân.
Còn việc nguyên Tổng giám đốc DAB chỉ đạo Vinh thực hiện việc xuất quỹ khống và ghi treo nợ cho ông Bình trái với các quy định của ngân hàng, gây âm quỹ là thuộc về phần lỗi, trách nhiệm của ông này với nhà băng, không thể kéo Vũ vào.
"Trong việc này, ông Vũ chỉ là người bị hại bởi những toan tính, không trung thực, che giấu thực trạng âm quỹ, nợ xấu… của DAB. Sự chủ động đưa ông Vũ vào giao dịch bị lừa dối bởi chính ông Bình", luật sư đưa ra cơ sở bào chữa cho thân chủ.
Trước đó, sau khi phát biểu quan điểm về vụ án, VKS đánh giá mức án sơ thẩm đối với các bị cáo là phù hợp, xem xét đầy đủ tình tiết giảm nhẹ nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo. Đại diện cơ quan công tố đề nghị bác tất cả kháng cáo của Vũ, ông Bình cùng 16 đồng phạm, cũng như kháng cáo về dân sự của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong phạm vi vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Trần Phương Bình và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt sai phạm trong 10 năm điều hành DAB, gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng của nhà băng.
Trong đó, quá trình tăng vốn điều lệ cho DAB vào năm 2014, ông Bình chuyển cho Phan Văn Anh Vũ hơn 200 tỉ đồng qua việc kí khống hồ sơ mua bán cổ phần nhằm giúp Chủ tịch công ty Bắc Nam 79 trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối nhà băng.
Ngoài ra, ông Bình còn dùng tiền của DAB mua giúp Vũ 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa trả lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái, ông Bình bị tuyên phạt mức án chung thân về hai tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Vũ "nhôm" nhận 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù.
Các bị cáo khác lãnh từ 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 30 năm tù.