Vụ quả vải bán trong siêu thị trơ trọi cuống: Ăn 'thử' đồ trong siêu thị cũng có thể bị phạt nặng?

Hành vi tự ý ăn uống khi chưa thanh toán tiền, bóc mở các sản phẩm sữa, cắn ăn các loại trái cây... (không phải sản phẩm siêu thị cho phép ăn thử) tại các siêu thị khi chưa thanh toán tiền được xem là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một số người dân thản nhiên ăn quả vải bày bán tại trong siêu thị rồi xả rác ngay tại chỗ được đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý.

Theo đoạn clip ghi lại, mặc dù những chùm vải được niêm yết giá trong siêu thị với tấm bảng to đùng "Quý khách vui lòng không ăn thử và xé lẻ chùm vải. Xin cảm ơn!" nhưng từ người lớn đến trẻ nhỏ vẫn phớt lờ đi như không thấy, thoải mái xé lẻ chùm vải, bóc vỏ ăn tại chỗ.

Dù thực hư đoạn clip này được quay tại đâu, khi nào chưa rõ nhưng đa phần cư dân mạng đều bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động vô ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân khi đi siêu thị mua sắm.

Dưới góc độ pháp lý, hành vị tự ý ăn 'thử' sản phẩm trong siêu thị có thể bị xử lý thế nào?

Vụ quả vải bán trong siêu thị trơ trọi cuống: Ăn thử đồ trong siêu thị cũng có thể bị phạt nặng?  - Ảnh 1.

Bảng thông báo 'vui lòng không ăn thử và xé lẻ chùm vải' cũng không ngăn được những chùm vải chỉ còn trơ trọi lại toàn cuống. (Ảnh: BEATVN).

Các mặt hàng trong siêu thị sẽ thuộc sở hữu của siêu thị, người dân muốn sở hữu thì phải qua một giao dịch mua bán và thanh toán tiền ngay tại quầy thu ngân.

Hành vi tự ý ăn uống khi chưa thanh toán tiền, bóc mở các sản phẩm sữa, cắn ăn các loại trái cây... (không phải sản phẩm siêu thị cho phép ăn thử) khi chưa thanh toán tiền được xem là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Theo đó, hình thức xử lý hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là một trong những nội dung quan trọng và được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Phạt tiền từ hai triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi:

- Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý

- Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản

- Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác

- Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có

- Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác

Trường hợp hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Theo đó, người hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, theo quy định Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm như sau:

– Đền bù lại tài sản cùng loại với tài sản đã bị làm hủy hoại hoặc hư hỏng.

– Đền bù phần lợi ích chính đáng gắn với việc sử dụng, khai thác bị mất hoặc bị giảm sút khi tài sản bị hủy hoại, hỏng hóc.

– Đền bù chi phí mà bên bị hại phải bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, chẳng hạn như chi phí để dập lửa khi bị cháy rừng, rồi chi phí để trồng lại số cây trên rừng đã bị cháy đó.

– Các chi phí đền bù với những thiệt hại thực tế khác.

Đối với trách nhiệm dân sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Trường hợp thiệt hại là do người chưa đủ 15 tuổi gây ra thì cha, mẹ họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà người đó có tài sản riêng thì phải bỏ tài sản riêng ra để bồi thường phần còn thiếu.

Nếu người gây ra thiệt hại là người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu còn thiếu thì cha, mẹ họ phải bổ sung.

Nếu người gây ra thiệt hại về tài sản của người khác mà bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện của họ sẽ dùng phần tài sản của người được giám hộ để đền bù, nếu không đủ thì sẽ dùng đến tài sản của người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ chứng minh được đó không phải lỗi của mình.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.